10:04, 26/04/2017

Phóng viên trẻ với Báo Khánh Hòa

Tháng 4-2003, tôi được trở thành thành viên của mái nhà chung Báo Khánh Hòa. Những ngày tháng ban đầu, mọi thứ đều lạ lẫm đối với dân ngoại đạo và ngoại tỉnh như tôi. 

Phóng viên Khánh Ninh:  Giữ vững chữ tâm với nghề
 
Tháng 4-2003, tôi được trở thành thành viên của mái nhà chung Báo Khánh Hòa. Những ngày tháng ban đầu, mọi thứ đều lạ lẫm đối với dân ngoại đạo và ngoại tỉnh như tôi. Thật may mắn, tôi có những người thầy đầu tiên cũng là những đồng nghiệp thân thiết giỏi nghề, yêu nghề và luôn tận tình động viên, giúp đỡ. Bản tin đầu tiên, bài viết đầu tiên, phóng sự đầu tiên… cùng những trải nghiệm theo thời gian đã giúp tôi dần cứng cáp, trưởng thành.
 

 

1

Phóng viên Khánh Ninh với các chiến sĩ trong một chuyến công tác tại đảo Trường Sa

 
Tuy nghề báo là nghề vất vả và nhiều áp lực, nhất là đối với nhà báo nữ nhưng tôi luôn cảm thấy may mắn vì mình đã chọn đúng nghề và được làm việc trong một tập thể có sự quan tâm, gắn bó, sẻ chia. Nhờ nghề báo, tôi và nhiều đồng nghiệp đã được đi nhiều nơi, từ vùng núi đến hải đảo, nhất là được đến Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc với nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
 
Đến nay, vừa tròn 14 năm làm báo, tôi luôn tâm niệm, điều quan trọng nhất với người làm báo chính là cái tâm với nghề, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ được cái tâm trong sáng. 
 
K.N
 
 
_____________________________________________________
 
 
 
 
Phóng viên Phạm Thanh Long:  Những kỷ niệm khó quên
 
Nhiều người khi gặp tôi đều cho rằng được làm phóng viên thật thích, bởi được đi đây, đi đó nhiều, công việc lại thoải mái. Với tôi, nhàn nhã, thoải mái thì chưa hẳn, còn được đi đây, đi đó, được tiếp xúc hàng ngày với cuộc sống sôi động thì thật khó có nghề nào như nghề báo mà tôi may mắn gắn bó.

 

 
Tôi vào làm việc tại Báo Khánh Hòa thấm thoát hơn 8 năm. Khoảng thời gian ấy giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề với sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các anh, chị đồng nghiệp. Cũng chừng ấy thời gian, tôi được cơ quan giao nhiệm vụ theo dõi một số ngành, địa phương, đi công tác ở các địa bàn khó khăn như: Trường Sa, các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh… Những chuyến đi cùng đồng nghiệp lao theo những loạt bài thời sự nóng; hay những chuyến lênh đênh trên biển để trải nghiệm cuộc sống cùng ngư dân… đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
 
 
Ấn tượng nhất với tôi từ khi bước vào nghề, đó là 2 lần được đến với Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng nơi địa đầu của Tổ quốc. Đến tận bây giờ, tôi chẳng thể nào quên được phút giây nghiêng mình tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại giữa lòng mẹ biển khơi ở khu vực đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma trong lần đầu đến với Trường Sa. Hay những giây phút rạo rực khi hòa cùng giai điệu Quốc ca trong lễ chào cờ cùng quân và dân thị trấn Trường Sa… Rồi cả những lần hồi hộp, mong cho đường truyền Internet không bị gián đoạn để bài viết, hình ảnh của mình gửi về từ Trường Sa kịp cập nhật cho số báo ngày hôm sau. Nếu ai hỏi kỷ niệm sâu sắc nhất trong hơn 8 năm làm báo, tôi không ngần ngại mà nói ngay rằng, đó chính là những chuyến đi Trường Sa.
 
Với tôi, những lần cùng đồng nghiệp thực hiện những loạt bài thời sự, phóng sự điều tra cũng để lại không ít ấn tượng. Đó là lần cùng nhà báo Đình Lâm trà trộn vào nhóm phu khai thác quặng từ tỉnh Lâm Đồng xuống, cùng họ ở lại trong rừng Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) 1 tuần làm phu đào quặng nhằm thực hiện loạt bài điều tra: “Nhức nhối nạn quặng tặc”. Hay những lần xuyên đêm cùng nhà báo Xuân Thành bám theo đoàn xe chở gỗ lậu, vào tận rừng sâu Đa Rao (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) để thực hiện loạt bài điều tra: “Rút ruột rừng Khánh Thượng”; cùng đồng nghiệp ăn bụi, ngủ bờ để thực hiện các bài viết: “Lao theo giấc mộng kỳ nam”, “Xáo tung rừng vì… xáo tam phân”.
 
Mỗi lần thâm nhập thực tế, tôi lại có thêm nhiều trải nghiệm, vốn sống mới, làm hành trang trên con đường phía trước. Chắc hẳn, nếu không làm báo, không may mắn được gắn bó với Báo Khánh Hòa, tôi sẽ không có những kỷ niệm khó quên, những vinh dự ấy.
 
  
__________________________________________________
 
 
 
Phóng viên Văn Kỳ:  Báo Khánh Hòa - đại gia đình thân yêu
 
Tháng 4-2017 là tròn 3 năm tôi về công tác tại Báo Khánh Hòa. 3 năm là quãng thời gian quá ngắn nhưng với tôi, nó thật sự có ý nghĩa trong gần 10 năm làm báo. 

 

 Ảnh: Phóng viên Văn Kỳ trong chuyến công tác ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) tháng 4-2015.

Phóng viên Văn Kỳ trong chuyến công tác ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) tháng 4-2015.

 
Từng cộng tác nhiều năm trước, nhưng khi về Báo Khánh Hòa tôi mới cảm nhận được môi trường làm báo rất chuyên nghiệp, sôi động. Những buổi giao ban nghiệp vụ là dịp để các phóng viên, nhất là phóng viên trẻ tự rút kinh nghiệm cho bản thân, từ đó hoàn thiện bài viết của mình. Tôi từng đi nhiều, đọc nhiều tờ báo Đảng địa phương và thấy rất hiếm tờ nào có chất lượng bài vở tốt, chịu khó đi vào những vấn đề gai góc như Báo Khánh Hòa. Đặc biệt, việc duy trì mục phóng sự vào số thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần cũng như những bài thời sự đã giúp chất lượng tờ báo được nâng lên rất nhiều. Việc tăng nhuận bút trong những năm gần đây cũng giúp phóng viên yên tâm cống hiến, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ công việc, góp phần tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng.  
 
Từ khi bước chân về Báo Khánh Hòa, tôi luôn cảm nhận được không khí đầm ấm, thân thiện của những đồng nghiệp nơi đây. Từ Ban Biên tập, lãnh đạo các phòng cho đến các phóng viên, nhân viên đều niềm nở, vui vẻ và giúp đỡ tôi nhiệt tình. Những buổi họp giao ban nghiệp vụ hàng tuần, những khi cà phê sáng cùng lãnh đạo hoặc đồng nghiệp nơi ghế đá cơ quan hay những chương trình liên hoan, kỷ niệm nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đều đọng lại trong tôi những kỷ niệm khó phai. Những khi ốm đau, có việc gia đình, tôi đều được lãnh đạo và đồng nghiệp cơ quan ân cần thăm hỏi, tạo điều kiện, giúp đỡ nhiệt tình. Tôi luôn coi Báo Khánh Hòa vừa là cơ quan, vừa là một đại gia đình của mình. 
 
 
___________________________________________
 
 
Phóng viên Kim Dung:  Phấn đấu làm tốt hơn nữa trách nhiệm của người cầm bút
 
 
Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn được về công tác tại Báo Khánh Hòa đúng đợt báo tuyển phóng viên mới. Dù làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo, song từ giảng đường đến thực tế là một khoảng cách rất xa. Cũng như nhiều phóng viên chập chững bước vào nghề khác, tôi không tránh những khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Từ áp lực bởi thông tin thời sự diễn ra hàng ngày, hàng giờ cho đến việc tiếp cận nhân vật, sự việc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, hay những ý kiến phản hồi về những bài viết bị cho rằng “có vấn đề”... Được các anh chị đi trước tận tình chỉ bảo, tôi vững vàng hơn qua thời gian. Đặc biệt, tôi may mắn được học tập kinh nghiệm từ những đồng nghiệp yêu nghề, sẵn sàng dầm mưa tác nghiệp trong những ngày Khánh Hòa hứng trận lụt lịch sử, sẵn sàng xách máy ảnh lên và đi giữa lúc nửa đêm khi nghe tin một vụ cháy, dấn thân đeo đuổi một đề tài điều tra suốt nhiều tháng ngày để vạch trần bộ mặt của những doanh nghiệp làm ăn bất chính, và vững vàng, bản lĩnh ứng xử trước những ý kiến phản hồi tiêu cực về thông tin báo đăng… 
 

Nghề báo vốn không dễ dàng, với phụ nữ càng khó khăn hơn. Thế nhưng, nghề báo cũng cho tôi cơ hội được gặp gỡ nhiều người ở nhiều tầng lớp, địa vị khác nhau, từ các vị lãnh đạo, nhà quản lý tài năng cho đến những nông dân chân lấm tay bùn, những nhà giáo được học trò yêu kính, những bạn trẻ luôn tràn đầy năng lượng, những số phận thiệt thòi hơn mọi người… Tôi được học hỏi, lắng nghe, được nói hộ tâm tư của họ qua các trang viết. Niềm hạnh phúc ấy, không phải nghề nghiệp nào cũng có được. Và chính niềm tin yêu, sự kỳ vọng và đòi hỏi ngày càng cao của độc giả đối với Báo Khánh Hòa là nguồn khích lệ lớn để tôi và những đồng nghiệp tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn nữa trách nhiệm của người cầm bút. 

  
_______________________________________________
 
 
Phóng viên Mạnh Hùng:  Càng khó khăn tôi càng thấy yêu nghề 
 
7 năm bước vào nghề báo cũng là chừng đó thời gian tôi gắn bó với Báo Khánh Hòa. Chặng đường không dài, không ngắn nhưng có thể khẳng định, nơi đây đã giúp tôi trưởng thành hơn. 
 

 

 Phóng viên Mạnh Hùng trong lần tác nghiệp tại Vùng 4 Hải quân

Phóng viên Mạnh Hùng trong lần tác nghiệp tại Vùng 4 Hải quân

 
Tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa học, tôi đến với nghề báo thật tình cờ. Do không được đào tạo bài bản về báo chí, nên thời gian đầu, công việc đối với tôi thật không dễ dàng. Thế nhưng, càng khó khăn tôi càng thấy yêu nghề hơn và quyết tâm theo đuổi. Đặc biệt, tôi nhận được sự tin yêu, giúp đỡ tận tình của các anh, chị đồng nghiệp trong cơ quan, những người đi trước giàu kinh nghiệm nghề nghiệp đã giúp tôi tự tin, trưởng thành hơn. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên được đăng một bài phóng sự, cảm giác thật tuyệt vời và hạnh phúc. Hơn 6 năm trước, trong trận lụt lịch sử, thiệt hại do thiên tai gây ra rất lớn, nhất là ở những vùng quê nghèo. Tôi được lãnh đạo giao đi tìm hiểu cuộc sống của những người dân trồng rau, hoa tại thị xã Ninh Hòa. Trời mưa như trút nước, những cánh đồng rau ngập trắng, những chậu hoa cúc héo úa vì úng nước; nhìn những nông dân thất thần khi ruộng vườn tan hoang trong lũ, lòng tôi buồn khôn tả. Hình ảnh ấy cứ đeo đuổi trong tâm trí tôi và ngay khi trở về tôi đã hoàn thành bài viết về cuộc sống của những con người ấy. Bài báo được đăng, những phản hồi tích cực sau đó làm tôi vui và yêu nghề hơn. Những nông dân mà tôi phỏng vấn đã gọi điện cảm ơn vì bài báo đã phản ánh đúng, chân thực cuộc sống và chia sẻ khó khăn với bà con. 
 
Trong quá trình tác nghiệp không phải lúc nào tôi cũng gặp thuận lợi. Có những buổi đi cả ngày, thậm chí theo đuổi đề tài cả tuần nhưng không thể tiếp cận, nhiều lần dầm mưa cùng người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, những đêm thức trắng trăn trở với từng trang viết, những lần chạy đua với thời gian để thực hiện bài thời sự khi có sự kiện chính trị quan trọng diễn ra… Tất cả đều đã trở thành kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên. Với phóng viên trẻ như tôi, việc phối hợp với đồng nghiệp cũng rất quan trọng, nhất là khi thực hiện bài thời sự. Qua những lần như thế, tôi lại có thêm bài học kinh nghiệm về khả năng thích ứng với môi trường làm việc hết sức khẩn trương và chuyên nghiệp.
 
Từ chỗ không biết gì về nghề, giờ đây tôi đã tiếp cận, nắm bắt và có thể đáp ứng được công việc tòa soạn giao. Tôi đã yêu nghề báo từ lúc nào không biết. Với tôi, Báo Khánh Hòa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ở Báo Khánh Hòa, các anh chị đồng nghiệp luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong công việc với mong muốn xây dựng tờ báo ngày càng phát triển. 
 
 
 
_____________________________________________
 
 
Phóng viên Kim Thao:  Nghề báo giúp tôi trưởng thành hơn 
 
Vào nghề báo hơn 6 năm, tôi đã trải nghiệm được nhiều điều. Nghề báo tuy vất vả nhưng đem đến cho tôi nhiều niềm vui. Năm 2010, khi được nhận vào Tòa soạn Báo Khánh Hòa, tôi được cơ quan phân công phụ trách mảng thuế. Viết về lĩnh vực này không hề dễ, vì nó liên quan đến kinh tế và pháp luật; mặt khác, mới ra trường, còn non về nghề, non cả kinh nghiệm nên tôi cảm thấy rất áp lực. Tuy nhiên, tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, động viên từ Ban Biên tập, lãnh đạo Phòng Phóng viên, các anh, chị đồng nghiệp ở cơ quan. Nhờ vậy, dần dần tôi đã tiếp cận được với nghề. 
 
 
Làm báo đòi hỏi một tư duy nhạy bén, phải luôn cẩn trọng, chỉn chu trong từng câu chữ và tỉnh táo để soi xét thông tin nhiều chiều, tránh phiến diện, qua đó rèn cho tôi tính nhẫn nại, chịu khó, cẩn thận và trưởng thành hơn… Là nhà báo, ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp. Đó có thể là những tình cảm chân thành, thân thiện từ đối tác, cơ sở; hoặc cũng có thể là các cú điện thoại, tin nhắn hăm dọa của nhân vật khi bài viết mang tính “đụng chạm”… Tôi nghĩ, mỗi đề tài, lĩnh vực đều có cái hay riêng, nhưng có lẽ khi viết về những mảnh đời kém may mắn trong xã hội đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Còn nhớ, năm 2011, tôi được phân công viết phóng sự về cậu bé khiếm thị Bùi Ngọc Thịnh (ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa). Ban đầu, tôi hơi băn khoăn vì thể loại này khá mới mẻ đối với phóng viên trẻ, nhưng cảm phục trước ý chí, nghị lực vượt qua số phận của Thịnh khi sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, mang âm nhạc đến với nhiều người, tôi đã có bài viết về em. Đến nay, tôi vẫn nhớ như in lời của Thịnh: “Em ước được một lần nhìn thấy ánh sáng, bố mẹ và mọi người xung quanh nhưng không thể. Em rất muốn làm được nhiều việc có ích nhưng em chỉ có thể đem lại phút giây thư giãn cho mọi người bằng những bản nhạc mình tự sáng tác”. Câu nói của Thịnh khiến tôi thổn thức. 
 
Qua mỗi câu chuyện như vậy, tôi trân trọng hơn những gì mình đang có, tiếp cho tôi thêm niềm tin trong đời cầm bút còn non trẻ của mình. Và tôi tự nhủ sẽ cố gắng trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa từ những nhà báo dày dặn kinh nghiệm, từ đồng nghiệp và những va chạm ngoài xã hội… để làm tròn vai trò của một nhà báo trung thực, trách nhiệm, tâm huyết với nghề.