Tuy là kênh phổ biến các văn bản pháp luật trực tiếp đến cán bộ, người dân nhưng thời gian qua, tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn đã bộc lộ một số hạn chế nhất định và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
Tuy là kênh phổ biến các văn bản pháp luật trực tiếp đến cán bộ, người dân nhưng thời gian qua, tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn đã bộc lộ một số hạn chế nhất định và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
Số người sử dụng ít
Tủ sách pháp luật của xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) được đặt tại hội trường xã, sách được sắp xếp khá gọn gàng. Bên cạnh các đầu sách pháp luật, công báo, tủ sách còn có thêm một số đầu sách thuộc các lĩnh vực khác như: y tế, nông nghiệp… Ông Nguyễn Minh Sơn - cán bộ tư pháp hộ tịch xã Vĩnh Ngọc cho biết, mỗi năm có gần 200 lượt người đến mượn và tham khảo tại chỗ, trong đó phần lớn là cán bộ thôn. Cán bộ, công chức, người dân rất ít sử dụng. Khi cần nội dung liên quan đến văn bản pháp luật, cán bộ thường truy cập Internet để tìm hiểu, vừa nhanh và tiết kiệm thời gian. Còn người dân, một phần do có mạng Internet, phần khác do khi đọc các văn bản luật không nắm được hết vấn đề nên thường hỏi trực tiếp cán bộ xã, vì vậy cũng ít sử dụng tủ sách pháp luật.
Cán bộ Hội Nông dân xã Suối Tiên tra cứu tài liệu ở tủ sách pháp luật |
Trên thực tế, số người sử dụng tủ sách pháp luật ít là thực trạng chung của nhiều xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân chính là do sự phát triển của công nghệ với các công cụ tìm kiếm tài liệu nhanh và khá chính xác thông qua mạng Internet. Do đó, tủ sách pháp luật chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Ông Nguyễn Văn Minh - cán bộ tư pháp xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh) cho biết, gần 1 năm nay, tủ sách pháp luật của xã không có người dân nào đến sử dụng, số cán bộ sử dụng cũng không nhiều. Hàng năm, xã nhận được cả trăm cuốn sách, trong khi tủ sách của xã rất nhỏ nên không có chỗ. Cán bộ tư pháp đã thường xuyên sắp xếp, thay đổi đầu sách, lưu kho các loại sách hết hiệu lực nhưng vẫn không đủ chỗ. Một số sách do địa phương mua, một số do các nguồn, dự án… cấp phát miễn phí.
Phát triển tủ sách pháp luật theo hình thức mới
Theo báo cáo của Sở Tư Pháp, thực hiện Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có tủ sách pháp luật. Nhìn chung, các loại sách, tài liệu trong tủ sách pháp luật đã phục vụ kịp thời cho công tác chuyên môn của cán bộ, công chức và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian triển khai, tủ sách pháp luật cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Các văn bản pháp luật được ban hành thường xuyên thay đổi nhưng việc kịp thời bổ sung, thay thế các đầu sách pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Việc sử dụng Internet để tra cứu và tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân trở nên phổ biến, thường xuyên nên việc mượn sách tại các tủ sách không còn thiết thực. Cán bộ quản lý tủ sách pháp luật hầu hết đều kiêm nhiệm nên việc khai thác hoạt động của tủ sách như: tìm kiếm, cập nhật các văn bản mới, rà soát lập danh mục văn bản, sách pháp luật hết hiệu lực chưa được chú trọng đúng mức…
Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có 204 tủ sách pháp luật cấp xã và 882 tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị. Số lượng sách ở mỗi tủ sách từ 70 đến 200 đầu sách, số lượng đầu sách bổ sung hàng năm khoảng 20 - 45 cuốn. Số lượng người đọc, mượn khoảng 50 - 125 người/tủ sách/năm. Kinh phí cho mỗi tủ sách là 2 triệu đồng/năm. |
Ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, với vai trò là kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, nhân dân, tủ sách pháp luật vẫn tiếp tục được duy trì nhưng cần theo hình thức phù hợp với nhu cầu thực tế. Để tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả, các địa phương, đơn vị cần có sự linh hoạt trong quản lý, khai thác. Trong đó, hạn chế trang bị tủ sách tại các cơ quan, đơn vị ở thành phố, vùng thuận lợi về thông tin liên lạc, vùng kinh tế phát triển thay thế tủ sách pháp luật bằng việc khai thác tài liệu từ mạng Internet. Đầu tư kinh phí, nguồn lực cho việc xây dựng tủ sách pháp luật ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, địa bàn kinh tế khó khăn. Ngoài tủ sách pháp luật truyền thống, các địa phương, đơn vị nên phát triển các loại hình mới như: ngăn sách tại trụ sở thôn, túi sách pháp luật cho các trưởng thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân tranh thủ ngoài thời gian lao động tìm hiểu, tham khảo tài liệu pháp luật; xây dựng trang sách pháp luật điện tử để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, một trong những điểm mới quan trọng của bộ tiêu chí là đã bổ sung vào tiêu chí thứ 18 (hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật), thành phần 18.5 về “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”. Do đó, trong thời gian tới, các kênh phổ biến pháp luật như: tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật… sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm thực hiện toàn diện các mục tiêu, nội dung xây dựng nông thôn mới.
MAI HOÀNG