Xã Ninh Thượng là một trong những xã miền núi khó khăn và có mức sinh cao của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, mức sinh và chất lượng dân số trên địa bàn xã có sự thay đổi tích cực.
Xã Ninh Thượng là một trong những xã miền núi khó khăn và có mức sinh cao của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, mức sinh và chất lượng dân số trên địa bàn xã có sự thay đổi tích cực.
Tăng cường tuyên truyền
Xã Ninh Thượng có 1.414 hộ với 6.571 nhân khẩu, đời sống kinh tế người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Những năm trước, Ninh Thượng là một trong những xã có mức sinh khá cao trên địa bàn thị xã. Vì thế, chính quyền địa phương đã đề ra mục tiêu mỗi năm phải giảm tỷ suất sinh đạt 0,2‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đạt 1%. Để đạt được điều đó, ngay từ đầu năm, Ban Dân số xã đã lập kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thôn; xây dựng kế hoạch truyền thông hàng quý; kế hoạch hoạt động các đợt truyền thông trọng điểm. Ngoài ra, xã còn lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Đội Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em thị xã, Trạm Y tế xã tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và khám phụ khoa cho toàn thể phụ nữ trong xã…
Khám sức khỏe cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Ninh Thượng |
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền lồng ghép các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số; tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm với hàng trăm lượt người tham dự. Cán bộ dân số và mạng lưới cộng tác viên tăng cường phát tờ rơi và tư vấn tại nhà về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho hàng trăm hộ. Ngoài ra, trên hệ thống truyền thanh xã, hàng tuần liên tục phát các tin, bài về lợi ích tầm soát các bệnh tật bẩm sinh, nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cho người dân trong xã nghe. Xã còn tạo điều kiện cho người dân hưởng ứng mô hình 2 con, tập trung phát triển kinh tế bằng các chính sách cho vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, nêu gương những hộ gia đình làm kinh tế giỏi…
Người dân thay đổi nhận thức
Gia đình ông Võ Xuân Tịnh (sinh năm 1981), bà Nguyễn Ngọc San (sinh năm 1983) ở thôn Tân Lâm cho biết: “Qua các cuộc họp, vợ chồng tôi từng nghe tuyên truyền rất nhiều về việc mỗi gia đình chỉ sinh 2 con. Tôi nghĩ mình sống trong thời đại mới cũng phải thay đổi tư duy, quan trọng là sinh con phải nuôi dạy đàng hoàng, cho ăn học đến nơi đến chốn. Vì thế, vợ chồng tôi chỉ sinh 2 con để lo phát triển kinh tế gia đình”. Nhờ sinh ít con, tiết kiệm được tiền nên gia đình anh Tịnh đã mua được 3 máy tuốt lúa phục vụ người dân trong xã. Gia đình anh hiện nay thuộc diện khá giả, bình quân thu nhập 100 triệu đồng/năm. Bà Võ Thị Trinh, cùng thôn với ông Tịnh cho biết, mặc dù vợ chồng chị sinh 2 con gái, nhưng nhất định không sinh thêm để lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, bởi con trai con gái đều như nhau.
Bà Phan Thị Kim Nhung - Phó Trưởng Trạm Y tế xã cho hay, bây giờ, người dân trên địa bàn xã cũng văn minh, bắt đầu thay đổi nhận thức, thường xuyên cập nhật thông tin mới, nhất là về chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạnh phúc gia đình. Các đợt chăm sóc sức khỏe sinh sản, người dân đến khám ngày một đông, không cần vận động. Năm 2016, 100% phụ nữ có thai đều được khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong thai kỳ, uống viên sắt bổ sung dưỡng chất, khám phụ khoa đầy đủ. Người già và trẻ em cũng đến khám thường xuyên. Hiện nay, toàn xã có 586 cháu dưới 5 tuổi, nhưng chỉ có 27 cháu suy dinh dưỡng, không có trường hợp nào tai biến sản khoa.
Bà Nguyễn Ngô Bích Khuê - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã cho biết, Ninh Thượng là xã có chuyển biến nhanh trong công tác DS-KHHGĐ những năm gần đây. Ngoài thực hiện giảm sinh đạt chỉ tiêu hàng năm, xã còn rất tích cực triển khai thực hiện các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: sàng lọc trước sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chương trình xã hội hóa các phương tiện tránh thai. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, luôn xác định công tác DS-KHHGĐ là trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, mở rộng hoạt động các câu lạc bộ: 5 không 3 sạch; người cao tuổi; ông bà cháu; không sinh con thứ ba. Qua đó, giúp người dân có điều kiện chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con cái, thực hiện biện pháp tránh thai hiệu quả, cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. Chính vì vậy, năm 2016, tỷ suất sinh toàn xã giảm xuống còn 10,04‰, thấp hơn mức sinh chung của thị xã là 1,14‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 10,61%; tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai đạt 80%. Với những kết quả đạt được, Ninh Thượng là 1 trong 4 đơn vị của thị xã Ninh Hòa được Sở Y tế tặng giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ năm 2016.
M.T