Với hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ, việc tổ chức sinh hoạt đoàn cho đoàn viên, thanh niên tại Trường Đại học Nha Trang gặp không ít khó khăn.
Với hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ, việc tổ chức sinh hoạt đoàn cho đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) tại Trường Đại học Nha Trang gặp không ít khó khăn.
Khó tổ chức sinh hoạt chi đoàn
Từ nhiều năm nay, Trường Đại học Nha Trang đã chuyển đổi từ hình thức đào tạo niên chế (sinh viên học theo thời khóa biểu chung trường đưa ra) sang hình thức đào tạo tín chỉ. Theo đó, sinh viên có thể lựa chọn chương trình học, môn học, chủ động về thời gian, bố trí việc hoàn thành chương trình theo năng lực của mình, không phải học theo thời khóa biểu chung của trường. Nhờ vậy, khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được nâng cao, sinh viên có thể bố trí thời gian thuận lợi cho việc học, dành thời gian cho các hoạt động khác.
Đoàn viên, thanh niên Trường Đại học Nha Trang tham gia hiến máu |
Tuy nhiên, phương thức đào tạo này lại tác động đến hoạt động của tổ chức đoàn, nhất là các chi đoàn được tổ chức theo quy mô lớp học, trực thuộc đoàn khoa. Anh Hoàng Gia Trí Hải - Bí thư Đoàn Khoa Kinh tế cho biết, hiện nay, đoàn khoa có gần 3.000 ĐV-TN, sinh hoạt tại 41 chi đoàn. Việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn rất cần thiết cho ĐV-TN, bởi tại đây, các cán bộ đoàn thông báo đến đoàn viên quy định, kế hoạch hoạt động của nhà trường, đoàn trường; ĐV-TN thảo luận, nêu những khó khăn trong học tập, hoạt động để mọi người cùng tháo gỡ. Tuy nhiên, do học chế tín chỉ nên rất khó để tổ chức một buổi sinh hoạt có đầy đủ đoàn viên. Bởi trong một chi đoàn, nhiều sinh viên tự chọn thời khóa biểu, môn học với thời gian học khác nhau. Mặt khác, do không học chung với nhau nên sự đoàn kết giữa các đoàn viên, cán bộ đoàn trong chi đoàn chưa cao, dẫn đến việc sinh hoạt không hiệu quả.
Đây cũng là tình trạng chung của các chi đoàn thuộc Đoàn trường Đại học Nha Trang. Anh Nguyễn Thế Hân - Phó Bí thư Đoàn trường chia sẻ, hiện nay, Đoàn trường có hơn 200 chi đoàn. Việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn hiện nay gặp nhiều khó khăn. Không thiếu những trường hợp sinh viên tốt nghiệp nhưng chưa bao giờ tham gia sinh hoạt chi đoàn. Nguyên nhân chủ yếu vì lịch học của các đoàn viên không giống nhau, dẫn đến khó tập hợp ĐV-TN. Một số chi đoàn linh động, kết hợp sinh hoạt chi đoàn với sinh hoạt lớp định kỳ, nhưng việc sinh hoạt đoàn cũng khá mờ nhạt.
Cần sự hỗ trợ
Thực tế, hoạt động đoàn ở cấp đoàn trường, đoàn khoa của Trường Đại học Nha Trang khá phong phú và thiết thực. Có thể kể đến như: các công trình sân chơi cho thiếu nhi từ vật liệu tái chế tại nhiều địa phương; mô hình vườn rau sạch hữu cơ tại mái ấm Anh Đào (thị xã Ninh Hòa), chùa Lộc Thọ (TP. Nha Trang); các công trình xây dựng đường bê tông, thắp sáng đường quê tại tỉnh Phú Yên; bể chứa nước, hệ thống lọc nước, sơn sửa trường học tại huyện Khánh Vĩnh… với trị giá hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh các hoạt động xã hội, sinh hoạt chi đoàn là môi trường để đoàn viên rèn luyện, trau dồi thêm kỹ năng, nắm bắt thông tin cần thiết. Theo anh Hoàng Gia Trí Hải, để tổ chức sinh hoạt đều đặn cho các chi đoàn, cán bộ đoàn là nhân tố quan trọng. Theo đó, bí thư mỗi chi đoàn cần linh hoạt, sáng tạo trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt, gắn liền hoạt động với lợi ích thiết thực của ĐV-TN như: rèn luyện kỹ năng, trao đổi các thông tin cần thiết; về thời gian, địa điểm tổ chức, có thể trao đổi cùng các đoàn viên qua hộp thư điện tử, mạng xã hội, rồi đưa ra một thời gian sinh hoạt thuận lợi cho mọi người. Điều quan trọng nhất là cần làm cho ĐV-TN thấy được sự cần thiết của sinh hoạt chi đoàn. Khi mọi người nhận thấy lợi ích thiết thực sẽ chủ động tham gia.
Anh Nguyễn Thế Hân cho biết, trước đây, Đoàn trường đã từng đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để nhà trường xem xét như: xem điểm hoạt động xã hội như điều kiện tốt nghiệp của sinh viên; bố trí một thời khóa biểu sinh hoạt chi đoàn chung cho toàn trường…, nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Các phương án tháo gỡ khó khăn trong việc sinh hoạt chi đoàn không phải không có, nhưng để thực hiện được, đoàn thanh niên rất cần sự đồng thuận và hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là nhà trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thiết thực hơn nhằm cải thiện tình hình sinh hoạt chi đoàn tại trường, để các ĐV-TN có điều kiện tham gia hoạt động trong môi trường lành mạnh, cùng nhau trao đổi thông tin, tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống cũng như học tập”, anh Hân nói.
V.T