Sinh ra trong một gia đình Raglai nghèo nên từ nhỏ chị Cao Thị Phượng (30 tuổi, thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) đã học được tính cần cù, tiết kiệm của cha mẹ. Do hoàn cảnh khó khăn nên học hết lớp 5 chị nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.
Sinh ra trong một gia đình Raglai nghèo nên từ nhỏ chị Cao Thị Phượng (30 tuổi, thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) đã học được tính cần cù, tiết kiệm của cha mẹ. Do hoàn cảnh khó khăn nên học hết lớp 5 chị nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.
Ngoài làm rẫy và chăn nuôi, chị Phượng còn buôn bán tạp hóa để tăng thu nhập |
Năm 2004, chị lập gia đình. Cuộc sống của vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Năm 2007, Hội Phụ nữ xã Sơn Thái đã tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội cho chị vay 7 triệu đồng để phát triển kinh tế. Có tiền, chị đầu tư trồng keo, mì, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây trên đất rẫy. Ngoài chăm sóc 2ha rẫy, vợ chồng chị còn làm thuê để tăng thu nhập. Năm 2016, chị được vay thêm 8 triệu đồng để mua lưới làm chuồng trại chăn nuôi heo nái, gà, vịt. Bên cạnh đó, chị còn tích lũy để mở cửa hàng buôn bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Năm qua, gia đình chị bán rẫy keo và tích lũy được 80 triệu đồng để sửa nhà. Chị Phượng chia sẻ: “Hơn chục năm trước, vợ chồng tôi chẳng có gì ngoài 2 chiếc xe đạp để chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền nuôi con. Hiện nay, từ việc tăng gia sản xuất, gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.
Từ hộ nghèo, nhờ chăm chỉ lao động và tiết kiệm chi tiêu, đến nay, gia đình chị đã có nhà cửa khang trang, nuôi 2 con ăn học. Bà Cao Thị Châu - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Thái cho biết, gia đình chị Cao Thị Phượng đã đi lên từ hai bàn tay trắng để có kinh tế khá như hiện tại. Bên cạnh tính cần cù lao động, biết phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, chị Phượng còn là hội viên nòng cốt tích cực tham gia sinh hoạt phụ nữ trên địa bàn và giàu lòng nhân ái khi chủ động góp gạo, tiền giúp đỡ những phụ nữ khó khăn, người già trên địa bàn xã.
ĐỖ PHAN