Những năm gần đây, loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke phát triển mạnh về quy mô và số lượng, nhưng vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy không được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quan tâm.
Những năm gần đây, loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke phát triển mạnh về quy mô và số lượng, nhưng vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) không được các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh quan tâm.
Kiểm tra là có vi phạm
Tại Khánh Hòa, trong năm qua chưa ghi nhận vụ cháy nào liên quan đến các cơ sở kinh doanh karaoke, tuy nhiên không vì đó mà xem nhẹ đến an toàn PCCC tại các điểm giải trí này. Vừa qua, thực hiện kế hoạch của UBND TP. Nha Trang về việc tăng cường và kiểm tra an toàn PCCC đối với các DN, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar và nhà hàng, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại 64/74 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố.
Công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy tại một đơn vị |
Đoàn đã tập trung kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC như: hồ sơ quản lý, phương án PCCC, theo dõi hoạt động PCCC; kiểm tra hệ thống điện, hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan. Bên cạnh đó, đoàn còn kiểm tra phương tiện thiết bị PCCC, việc bố trí phương tiện thiết bị, việc bảo vệ chống khói, lối thoát nạn… Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh trong công tác PCCC. Qua kiểm tra, phần lớn các DN đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp phép đủ điều kiện về an ninh trật tự. Tuy nhiên, một số DN, cơ sở chưa đáp ứng về điều kiện an toàn PCCC như: chưa có hồ sơ theo dõi PCCC, chưa xây dựng phương án PCCC, chưa có hệ thống PCCC tự động đối với cơ sở kinh doanh 3 tầng trở lên hoặc vượt khối tích so với thẩm duyệt PCCC. Bên cạnh đó, một số cơ sở sử dụng các vật liệu trang trí dễ gây cháy, chưa trang bị hệ thống thông gió, chưa đảm bảo lối thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra…
Theo quy định, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường có khối tích từ 1.500m3 phải lập hồ sơ thiết kế gửi cơ quan Cảnh sát PCCC để thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa cơ sở vào hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp thuộc danh mục nhưng chưa thẩm duyệt đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở hoạt động vượt số phòng so với giấy phép đăng ký kinh doanh, một số cơ sở chưa có giấy phép kinh doanh, chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự… Nhiều cơ sở kinh doanh chuyển đổi mục đích sử dụng, phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay trước đây là công trình nhà ở sinh hoạt gia đình, do nhu cầu kinh doanh nên các chủ cơ sở, DN đã hoán cải, gia cố thêm và trang trí kinh doanh karaoke nên chưa qua thẩm duyệt, thiết kế về PCCC. Bên cạnh đó, các phòng hát đều được thiết kế kín, cách âm nên nếu không may xảy ra sự cố thì việc báo động, hô hoán cho mọi người ra khỏi phòng hát là rất khó. Hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn cũng chưa đảm bảo, hầu hết đã bị hư hỏng, che khuất hoặc không đưa vào sử dụng. Lối thoát nạn không đảm bảo, trên lối thoát nạn, hành lang bố trí nhiều gương gây cản trở đến công tác thoát nạn. Các cửa phòng hát karaoke hiện nay đều có hướng mở vào trong, tức là mở ngược chiều thoát nạn, trong khi theo quy định đối với phòng hát từ 15 người trở lên hướng cửa thoát nạn phải mở ra ngoài… Bên cạnh đó, các cơ sở thiết kế lắp đặt biển quảng cáo che lấp ban công, kích thước không đúng quy định; sử dụng nhiều vật liệu dễ cháy như đệm mút, thiết bị cách âm trên tường có tốc độ cháy lan nhanh gây mất an toàn PCCC.
Tìm hướng tháo gỡ
Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC tỉnh, phần lớn các chủ cơ sở còn xem nhẹ về công tác an toàn PCCC; ý thức chấp hành các quy định PCCC còn hạn chế, thiếu tự giác; nhân viên chưa được phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ PCCC. Khi có sự cố cháy xảy ra sẽ khó khăn trong công tác chữa cháy tại chỗ… Điều đáng nói, một số cơ sở chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh, chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự, không đảm bảo điều kiện về PCCC vẫn ngang nhiên hoạt động, nhiều lần bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở song vẫn hoạt động và vi phạm.
Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại một đơn vị |
Theo Thông tư 47/2015 ngày 6-10-2015 của Bộ Công an, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn PCCC nghiêm ngặt. Theo đó, tường, vách ngăn, trần treo của lối thoát nạn, các buồng, vật liệu trang trí phải được làm bằng vật liệu chống cháy hoặc khó cháy. Các hệ thống chống sét, điện, chống tĩnh điện và việc bố trí các thiết bị này phải đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC. Thiết kế lắp đặt biển quảng cáo phải đảm bảo các yêu cầu vật tư, chiếu sáng, quy chuẩn xây dựng biển ngoài trời không che kín cả nhà lấp lối thoát nạn, ban công. |
Qua công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn, Cảnh sát PCCC tỉnh đã chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở chưa thực hiện đầy đủ quy định về PCCC; yêu cầu tạm ngưng để trình hồ sơ thẩm duyệt về PCCC đối với 4 cơ sở, yêu cầu ngừng kinh doanh 2 cơ sở chưa có chứng nhận điều kiện về an ninh trật tự.
Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh - Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Cảnh sát PCCC tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán; phúc tra lại toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn tỉnh; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức kiến thức về PCCC cho chủ cơ sở và nhân viên tại các điểm kinh doanh dịch vụ giải trí. Bên cạnh đó, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và kỹ năng thoát nạn cho lực lượng PCCC cơ sở nhằm nâng cao vai trò 4 tại chỗ; kiên quyết không cấp phép mới cho các DN kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar không thực hiện các yêu cầu về PCCC theo quy định; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm và đề xuất xử lý theo thẩm quyền PCCC”.
Được biết, tại giao ban Tỉnh ủy mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho UBND tỉnh giao Cảnh sát PCCC tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu nội dung, chuẩn bị hội nghị giải quyết những vấn đề vướng mắc về vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng nói chung trên địa bàn tỉnh. Qua đó, triển khai ngay các giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập đối với các DN.
NAM KHÁNH