Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng thời gian qua tuy đã được cải thiện so với trước, song vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập.
Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) thời gian qua tuy đã được cải thiện so với trước, song vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập.
Nhiều chuyên đề học tập
Theo đánh giá của các phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 72/137 TTHTCĐ xếp loại tốt (chiếm 52,6%), 45 trung tâm xếp loại khá (32,8%) và 20 trung tâm xếp loại trung bình (14,6%). Những năm gần đây, các trung tâm được kiện toàn về tổ chức bộ máy và đi vào hoạt động có hiệu quả hơn so với trước. Hầu hết các TTHTCĐ đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng xã hội học tập đề ra trong năm học; triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên đến các địa phương, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, chủ động tham mưu chính quyền địa phương củng cố hoạt động của các TTHTCĐ theo hướng đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Đồng thời, tiếp tục tổ chức mô hình hoạt động thí điểm của TTHTCĐ kết hợp với nhà văn hóa - thư viện tại 37/137 xã, phường.
Ảnh minh họa |
Hàng năm, các TTHTCĐ đã xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức học tập các chuyên đề như: xóa mù chữ; dạy chương trình phổ cập; dạy văn hóa; phổ biến thời sự, pháp luật; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; dạy nghề; tổ chức giao lưu văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao; tổ chức dạy tin học, lái xe… với hàng ngàn lượt người tham dự. Một số TTHTCĐ, nhất là ở các xã nông thôn đã phát huy hiệu quả trong việc tổ chức cho nhân dân học tập chuyên đề văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm giúp tăng năng suất lao động, phát triển cây trồng vật nuôi. Ngoài ra, một số TTHTCĐ còn phối hợp với các trường trung cấp nghề tổ chức các lớp: sửa chữa máy nổ nông nghiệp, điện dân dụng, hàn điện, may công nghiệp, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt… Trong năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh đã huy động được gần 82.500 người tham gia học tập chuyên đề, khoảng 1.200 học viên học nghề ngắn hạn tại các TTHTCĐ. Qua đó, góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về xóa mù chữ (trong đó độ tuổi 15 - 60 biết chữ đạt 97,8%), củng cố kết quả phổ cập giáo dục các cấp và xây dựng xã hội học tập.
Chấn chỉnh những nơi hoạt động không hiệu quả
Tuy vậy, việc tổ chức và hoạt động của các TTHTCĐ vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện nay, nhiều TTHTCĐ, đặc biệt là các trung tâm ở địa bàn thành thị hoạt động không hiệu quả, còn mang tính hình thức, đối phó. Nhiều thành viên ban quản lý trung tâm thay đổi, chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động nên lúng túng trong công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động chưa liên tục, thường xuyên. Trong khi đó, nhiều phòng GD-ĐT chưa phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp để mở lớp tập huấn quản lý trung tâm. Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa được tận dụng triệt để và còn thiếu thốn, tài liệu học tập chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu học tập của cộng đồng dân cư; nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, nguồn thu chưa được khai thác tốt để tổ chức các hoạt động…
Tại cuộc họp mới đây, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố kiện toàn các ban quản lý TTHTCĐ và tiến hành kiểm tra, rà soát việc tổ chức hoạt động. Nếu trung tâm nào không đủ điều kiện hoạt động thì tiến hành giải thể theo quy định tại Thông tư số 09/2008 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế hoạt động của các TTHTCĐ tại xã, phường, thị trấn. Sở cũng yêu cầu hàng năm, phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tiến hành hội nghị đánh giá việc tổ chức và hoạt động của các trung tâm để chấn chỉnh những trung tâm hoạt động không hiệu quả và động viên, khen thưởng những trung tâm hoạt động tốt. Bên cạnh đó, các phòng GD-ĐT phối hợp với trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, báo cáo viên, hướng dẫn viên các TTHTCĐ ít nhất 2 lần trong năm; chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng để củng cố hoạt động của TTHTCĐ theo hướng đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của người dân. Mặt khác, cần tiếp tục nhân rộng mô hình TTHTCĐ kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao xã nhằm huy động tối đa các nguồn lực về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đa ngành tại địa phương, giúp các trung tâm hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, chương trình, dự án tại địa phương để tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ cho các TTHTCĐ nhằm tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời…
T.V