Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to nên nhiều hồ chứa phải tiến hành xả lũ. Mưa lũ đã gây ra một số thiệt hại ở các địa phương trong tỉnh.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to nên nhiều hồ chứa phải tiến hành xả lũ. Mưa lũ đã gây ra một số thiệt hại ở các địa phương trong tỉnh.
Các hồ chủ động xả lũ
Từ đêm 6 và ngày 7-12, trên địa bàn tỉnh có nơi mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 7-12 tại huyện Khánh Vĩnh là 52mm, tại TP. Nha Trang là 44,3mm, tại thị xã Ninh Hòa là 36mm, các địa phương khác phổ biến ở mức 16 - 20mm. Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, lượng nước đổ về các hồ chứa với lưu lượng khá lớn, nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xả lũ.
Hồ Suối Dầu có mức xả 210m3/s vào 15 giờ ngày 7-12 |
Ông Nguyễn Chí Bấc - Trưởng Văn phòng đại diện Cam Lâm (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa) cho hay: “Đêm 6 và ngày 7 do mưa lớn, lượng nước đổ về hồ Suối Dầu với lưu lượng lên đến 175m3/s. Để đảm bảo an toàn hồ đập và đảm bảo điều tiết nước đón đợt lũ mới, hồ Suối Dầu đã tiến hành xả lũ với lưu lượng cao nhất là 224m3/s. Đến 17 giờ chiều 7-12, mực nước trong hồ đã hạ xuống còn 41,6m, lưu lượng xả cũng giảm xuống còn 210m3/s. Sau 18 giờ ngày 7-12, mức xả còn 170m3/s, giữ mực nước trong hồ ở mực nước đón lũ ở cao trình 42m”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Huấn - Trưởng Văn phòng đại diện Cam Ranh (Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa) cho hay: “Hồ Tà Rục đã tiến hành xả điều tiết lũ với lưu lượng 112,7m3/s. Đến 17 giờ cùng ngày, mực nước trong hồ đã xuống còn 53,92m; sau 18 giờ, hồ Tà Rục giảm lưu lượng xả lũ xuống còn khoảng 70m3/s. Trong quá trình xả điều tiết lũ, chúng tôi luôn cắt cử người bám sát vùng hạ du để có kế hoạch điều chỉnh lưu lượng xả sao cho không ảnh hưởng đến người dân”.
Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh kiểm tra tình hình xả điều tiết lũ tại hồ Tà Rục chiều 7-12 |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngoài hồ Suối Dầu, hồ Tà Rục, các hồ chứa lớn khác cũng tiến hành xả điều tiết lũ. Cụ thể, tại thời điểm 17 giờ ngày 7-12, lưu lượng xả của hồ Cam Ranh là 94,07m3/s, hồ Suối Hành 44,4m3/s, hồ Am Chúa 15,28m3/s, hồ Hoa Sơn 44,4m3/s, hồ Đá Bàn 48,7m3/s, hồ Đá Đen 10,35m3/s, hồ Tiên Du 0,14m3/s.
Ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhận định: Qua kiểm tra thực tế, việc điều tiết xả lũ của các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh tuy có lưu lượng lớn hơn so với đợt xả lũ đầu tháng 11 nhưng các đơn vị quản lý hồ đã chủ động, linh hoạt trong việc tăng giảm lưu lượng xả, vừa đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vừa đảm bảo an toàn vùng hạ du. Chúng tôi đã chỉ đạo các hồ chứa khi điều tiết xả lũ thì chủ động xả vào ban ngày, đến 18 giờ khi thủy triều lên thì phải giảm lưu lượng xả sao cho cân bằng. Theo dự báo, trong ngày 8-12, lượng mưa sẽ giảm, các hồ chứa cần tiếp tục giảm lưu lượng xả, đưa mực nước tại các hồ chứa về mực nước dâng bình thường.
Đại lộ Nguyễn Tất Thành ngập sâu, nhiều phương tiện chết máy khi cố băng qua đoạn ngập |
Những thiệt hại ban đầu do mưa lũ
Ông Đào Thanh Tùng - Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Nha Trang cho biết, những ngày qua, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo lực lượng các xã, phường thường xuyên nắm bắt tình hình thời tiết và hoạt động xả lũ điều tiết của hồ Suối Dầu. Lực lượng chức năng cũng đã nghiêm cấm neo đậu tàu thuyền tại các vị trí không được neo đậu như: cầu Xóm Bóng, Hà Ra, vùng nước thuộc phường Xương Huân… Do mưa lớn, đến trưa 7-12, một số khu vực trên địa bàn đã bị ngập úng cục bộ từ 0,2 đến 1m như: thôn Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương), Cầu Ké (xã Vĩnh Hiệp), đường Nguyễn Tất Thành đoạn qua xã Phước Đồng, đường 2-4 đoạn trước làng SOS, chợ Bàu (phường Vĩnh Thọ) và nhiều khu vực trên đường 23-10, xã Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc… Tại các điểm thấp, trũng, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các xã, phường đã cắt cử lực lượng chốt trực, sẵn sàng di dời dân theo phương án đã phê duyệt.
Đường vào khu dân cư Nghĩa Phú (Cam Nghĩa, Cam Ranh) ngập sâu |
Tại TP. Cam Ranh, do mưa lớn và có 3 hồ chứa nước đồng loạt xả lũ gồm các hồ: Tà Rục, Suối Hành và Sông Trâu (ở Ninh Thuận nhưng xả nước ảnh hưởng đến Cam Ranh) nên nhiều con đường bị ngập, nhiều đoạn trên Quốc lộ 1, Tỉnh lộ 9 nước ngập từ 0,6 đến 0,8m. Nhiều khu dân cư ở các xã: Cam Phước Đông, Cam Thịnh Đông và phường Ba Ngòi cũng bị ngập lụt nhưng chưa đến mức phải di dời.
Tại huyện Cam Lâm, một số khu vực đã xuất hiện tình trạng ngập cục bộ với độ sâu từ 0,5 đến 0,6m. Đặc biệt, ở khu vực tràn Suối Gỗ giáp ranh giữa 2 xã Cam Tân và Cam Hòa, mưa lớn khiến nước trên núi dồn dập đổ xuống gây ngập gần 1m, làm 39 hộ với 196 khẩu thuộc thôn Cửu Lợi 3 (xã Cam Hòa) bị chia cắt tạm thời. Lãnh đạo huyện đã cử người tới hỗ trợ lương thực, thực phẩm… cho người dân ở khu vực này. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, toàn huyện có hơn 38km đường giao thông bị sạt lở; hơn 3km kênh mương bị sạt, trôi; gần 87.000m3 đất bị xói lở; 10 căn nhà bị sập một phần; hơn 770ha lúa và mạ bị thiệt hại hoàn toàn, gần 84ha rau màu bị ngập úng; 1.000 chậu hoa, cây cảnh và gần 400ha trồng cây hàng năm, cây ăn trái tập trung, hơn 151ha ao hồ bị thiệt hại… Tổng thiệt hại ước gần 37,6 tỷ đồng.
Người dân và chính quyền xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh) tháo ván chắn đập dâng Hải Triều trên sông Tô Giang để khơi thông dòng chảy |
Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Khánh Vĩnh cho hay, mưa lũ đã khiến cầu tràn Sông Chò (xã Khánh Bình) bị sạt lở; Quốc lộ 27C bị sạt lở 10 điểm nhỏ. Hầu hết các cầu tràn giao thông quan trọng đều bị ngập từ 1m trở lên. Về nông nghiệp cũng có gần 20ha hoa màu, lúa bị ngập, đổ, hư hỏng. Trong tình hình thời tiết như hiện nay, 6 khu vực thấp trũng tại các xã: Khánh Nam, Khánh Trung, Khánh Phú và Khánh Đông có khả năng ngập. Huyện đã triển khai các phương án ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tại thị xã Ninh Hòa, 183ha lúa vừa mới gieo sạ đã bị ngập úng. Trong đó, Ninh Giang bị nặng nề nhất với 100ha, Ninh Quang 40ha. Các hồ chứa cũng đã đạt dung tích cần thiết, hồ Đá Bàn đang xả lũ với mức xả 48,7m3/s.
Ông Bùi Văn Chanh - Phó Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ: Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, trên địa bàn tỉnh chỉ có mưa rào rải rác, lượng mưa giảm, phổ biến còn 10 - 20mm. Về thủy văn, mực nước trên các sông ở Khánh Hòa lên mức báo động I đến báo động II. |
Tại huyện Vạn Ninh, mưa gió đã khiến 1 căn nhà tại xã Xuân Sơn bị sập; vành đai ngăn mặn sông Tô Giang (thôn Hải Triều, Vạn Long) bị sạt lở; 10ha hoa màu của xã Vạn Hưng bị ngập úng; khoảng 411ha lúa trên toàn huyện bị ngập.
Tại huyện Diên Khánh, một số cánh đồng thuộc các xã: Diên Điền, Diên Phú, Diên Toàn, Suối Hiệp… bị ngập. Tại xã Diên Thọ, mưa lớn khiến hệ thống kênh mương bị sạt lở, 25/41ha lúa vụ đông xuân vừa gieo sạ bị ngập. Một số trường học trên địa bàn đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Còn tại huyện Khánh Sơn, mưa lớn gây sạt lở một số khu vực dọc sông Tô Hạp, nhất là tại thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp).
Nhóm PV