Trong khi nhiều địa phương chưa thể đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc với lý do "vướng" các quy định của pháp luật, thì trong năm 2016, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã đưa được 43 người đi cai nghiện bắt buộc.
Trong khi nhiều địa phương chưa thể đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc với lý do “vướng” các quy định của pháp luật, thì trong năm 2016, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã đưa được 43 người đi cai nghiện bắt buộc.
Về xã Đại Lãnh những ngày này, nhiều người dân ở thôn Tây Bắc 2 không còn than phiền về tình trạng trộm cắp xảy ra liên tục như những năm trước. Hỏi ra được biết, 13 người nghiện lâu năm ở xã Đại Lãnh đã bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Nhờ đó, số vụ án hình sự giảm rõ rệt. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, tại xã Đại Lãnh chỉ xảy ra 13 vụ phạm pháp hình sự, giảm 6 vụ so với năm 2015. Không chỉ xã Đại Lãnh mà ở các địa phương khác như: Vạn Giã, Vạn Hưng, Vạn Bình…, nhiều người nghiện cũng được đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Tình trạng trộm cắp, cướp giật tài sản trên địa bàn xã Đại Lãnh giảm đáng kể |
Theo thống kê của Công an huyện Vạn Ninh, từ giữa năm 2015 đến nay, toàn huyện có 61 đối tượng nghiện ma túy được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó năm 2015 là 18 người, 11 tháng năm 2016 là 43 người. Ngoài ra, Công an huyện đang truy tìm 5 người nghiện có quyết định của Tòa án đưa đi cai nghiện, đang bỏ trốn.
Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp. Bởi lẽ, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thi hành, việc đưa đối tượng nghiện ma túy vào Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, muốn đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc thì phải xác định được tình trạng nghiện rồi tiến hành xử phạt hành chính, sau đó đưa về giáo dục tại xã, phường, thị trấn một thời gian; nếu tái nghiện thì mới đưa đi cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, các đối tượng sử dụng ma túy thường vắng mặt tại nơi cư trú nên khó quản lý theo dõi… Trước tình hình đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy và UBND huyện, các ngành liên quan đã phối hợp tốt, chặt chẽ trong quá trình theo dõi, lập và thẩm định hồ sơ, ra quyết định đưa các đối tượng nghiện ma túy vào Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh để cai nghiện bắt buộc. Các bước thực hiện đều đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự pháp luật.
Thiếu tá Nguyễn Phú Thắng - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Vạn Ninh cho biết, việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc khó nhất là khâu xác định “tình trạng nghiện đối với người nghiện”, trong khi vấn đề nhân sự tại các trạm y tế xã lại không đáp ứng. Chính vì thế, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan điều động một nhân viên y tế (được đào tạo, cấp chứng chỉ về xác định tình trạng nghiện) phụ trách nhiều địa bàn khác nhau. Nhờ đó, bài toán về nhân lực đã được giải quyết.
THÀNH LONG