10:12, 15/12/2016

Khó khăn sửa chữa cầu, đường

Sau những ngày mưa lũ kéo dài, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại khá nặng nề. Ngành Giao thông đang tích cực khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.

Sau những ngày mưa lũ kéo dài, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại khá nặng nề. Ngành Giao thông đang tích cực khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.


Đường hỏng, cầu sập


Theo Sở Giao thông vận tải, mưa lũ đã làm nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn trong tỉnh bị ngập sâu trong nước, mặt đường bị lún nứt, bể gãy, xuất hiện dày đặc các “ổ gà, ổ trâu”, gây mất an toàn giao thông. Trên địa bàn huyện Khánh Sơn, lũ lớn làm sạt lở ta luy một số điểm trên Tỉnh lộ 9, tạo hàm ếch sâu bên trong; cầu Trần Bình Trọng (nối liền xã Sơn Trung và Ba Cụm Bắc) bị sạt lở mố cầu, gây nguy hiểm cho phương tiện qua lại. Đặc biệt, lũ lớn đã làm sạt lở gần đến trụ cầu treo thôn Cam Khánh (xã Sơn Lâm). Đây là cây cầu vào khu sản xuất tập trung của người dân với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đường lên Khu du lịch Yersin (huyện Cam Lâm) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, hiện đơn vị quản lý đã đóng đường để sửa chữa, không cho xe lưu thông qua khu vực này. Tại Tỉnh lộ 5 (Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa), một số khu vực bị ngập nước sâu gần 1m, đơn vị bảo trì đường bộ đã tổ chức cảnh báo đóng đường.

 

Ngành Đường sắt tổ chức gia cố tà vẹt, bảo đảm công tác chạy tàu
Ngành Đường sắt tổ chức gia cố tà vẹt, bảo đảm công tác chạy tàu


Ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, trên địa bàn huyện nhiều đường bị ngập sâu, giao thông nhiều nơi bị chia cắt. Cầu treo Ba Cẳng - xã Khánh Hiệp bị sập hoàn toàn. Cầu ông Đáy, Khánh Đông trên tuyến Tỉnh lộ 8 là cầu bê tông một nhịp cũng bị sập. Tuyến Tỉnh lộ 2, khu vực xã Sông Cầu bị ngập nặng, chia cắt cục bộ trên tuyến đường về Diên Khánh. Tại Tỉnh lộ 8B, tại 3 vị trí cầu tràn Thác Ngựa nước ngập sâu từ 3,5 đến 5m…


Ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy Đội quản lý đường sắt Nha Trang đã huy động hơn 100 công nhân thực hiện lấp đá tà vẹt, gia cố từng bước trả đường cho tàu chạy. Ông Đỗ Viết Chương - Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Nha Trang cho biết, đợt mưa lụt vừa qua, đường sắt Nha Trang bị lũ xoáy hẫng chân tà vẹt với chiều dài hơn 1.600m. Đoạn nặng nhất là khu vực đèo Rù Rì, đường bị đất lấp, trôi toàn bộ đá lấp chân tà vẹt khiến cho khu đoạn từ ga Nha Trang đi các tỉnh phía bắc bị kẹt. Đơn vị phải mất nhiều giờ mới có thể thông tuyến cho tàu chạy. Hiện nay tàu đã chạy bình thường, tuy nhiên đến khu vực đèo Rù Rì phải giảm tốc, chạy 5km/giờ. Thời gian khắc phục hậu quả chưa cụ thể do phụ thuộc vào thời tiết.


Việc khắc phục gặp nhiều khó khăn


Theo ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Sở Giao thông vận tải, đợt mưa đầu tháng 11 đã khiến ngành Giao thông tỉnh chịu thiệt hại nặng nề. Qua kiểm đếm khối lượng thiệt hại, ngành đã mất khoảng 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Thế nhưng, đầu tháng 12 lại xuất hiện đợt mưa lũ tiếp theo. Lần này, hậu quả lũ lụt còn nặng nề hơn so với lần trước. Hiện nay, ngành Giao thông đang phối hợp với các địa phương thống kê thiệt hại, đồng thời chỉ đạo các nhà thầu tích cực khắc phục hậu quả.


Đối với các tuyến đường bị sụt trượt, sạt lở, trước mắt ngành Giao thông giao cho các nhà thầu dùng máy xúc lật hốt sạch sẽ, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện; sau đó thuê các đơn vị tư vấn, khảo sát kiểm đếm khối lượng, đề xuất kinh phí sửa chữa, khắc phục triệt để trả lại nguyên trạng đường. Đồng thời, lực lượng Thanh tra giao thông sở, đơn vị quản lý đường phối hợp với các lực lượng của địa phương chốt chặn, đặt biển cảnh báo hai đầu đoạn đường bị sạt lở, ngập nước để hướng dẫn, phân luồng giao thông.


Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện nay mực nước nhiều tuyến đường còn cao nên việc khôi phục gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi; đồng thời, kinh phí sửa chữa, khôi phục lại chưa có kế hoạch bố trí, tỉnh đang đề xuất Trung ương hỗ trợ. “Sau mưa lũ, các tuyến đường bị bong bật ổ gà nhiều, nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp nên việc khắc phục đảm bảo đi lại tốt nhất cho người dân trong dịp Tết sẽ khó thực hiện. Bởi theo dự báo mưa hết tháng này, qua tháng sau mật độ tham gia giao thông bắt đầu tăng cao, đến lúc ấy mới sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của người dân, nên quan ngại nhất vẫn là mưa kéo dài. Thậm chí trong quý IV đã có vốn sửa chữa thường xuyên nhưng đến thời điểm này có tiền cũng không làm được do thời tiết quá xấu”, ông Định chia sẻ.


THÀNH NAM