Sáng 14-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Hoàng Văn Thắng cùng ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn Khánh Hòa.
Sáng 14-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Hoàng Văn Thắng cùng ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn Khánh Hòa.
Đoàn đã đi kiểm tra tại xã Diên Phú, Diên Điền (huyện Diên Khánh) và khu dân cư Đường Đệ, Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang).
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng (áo sẫm) và ông Đào Công Thiên đi kiểm tra thực tế tại xã Diên Phú, huyện Diên Khánh |
Sau khi kênh thoát lũ Đường Đệ bị vỡ đã khiến ít nhất 4 căn nhà ở khu tái định cư Hòn Xện phía dưới bị hư hỏng do đất đá từ dốc núi đổ xuống gây thủng nhà, nứt tường. Tuy đơn vị chức năng đã vào cuộc nhưng đất đá khu vực này quá lớn nên việc khắc phục chưa hoàn thành.
Tại căn nhà 3 tầng của chị Phạm Thị Út Hạnh (38 tuổi, tổ 13, đường Ngô Văn Sở, phường Vĩnh Hòa), nhiều tài sản có giá trị ở tầng trệt đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Tại hiện trường, nhiều tảng đá lớn nằm chỏng chơ trong trong phòng bếp, tường nhà đã bắt đầu xuất hiện các vết nứt. “Căn nhà này vợ chồng tôi xây năm 2015 với 1,2 tỷ đồng, ước tính thiệt hại từ vụ vỡ kênh gây nên cho căn nhà khoảng 300 triệu đồng. Ngoài bị nứt tường thì cầu thang, phòng bếp… cũng bị hư hỏng một số đoạn, chưa biết khắc phục thế nào. Vợ chồng tôi rất lo lắng, mong các ngành chức năng quan tâm, giúp đỡ”, chị Hạnh nói.
Kênh thoát lũ Đường Đệ bị vỡ, đất đá đổ xuống đường gây khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả |
Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Nha Trang cho biết, trước mắt, phòng đã yêu cầu đơn vị thi công huy động 2 máy xúc lật và xe ben chở đất đá. Phương án ưu tiên là làm ở điểm bị nặng nhất nhằm giải tỏa đường giúp người dân sớm khắc phục hậu quả sau lũ. Với khối lượng đất đá đổ xuống khu vực dân cư vào khoảng 800 đến 1.000m3 và một số điểm hư hỏng xung quanh khu vực dân cư Đường Đệ thì ít nhất phải mất 3 tuần mới hoàn thành xong việc sửa chữa. Hiện nay, thành phố đã giao cho phường Vĩnh Hòa phối hợp với các ngành chức năng kiểm đếm khối lượng thiệt hại của từng hộ, sau đó sẽ có hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhận định, Khánh Hòa có địa hình đồi núi khá phức tạp. Chính vì vậy, khi mưa lớn, nước lũ từ núi đổ thẳng xuống sông ra biển khiến lượng nước dâng lên rất nhanh. Trên địa bàn Khánh Hòa có 20 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 250 triệu m3, trong đó có gần 10 hồ lớn. “Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo việc xả nước bảo đảm an toàn hồ đập. Tôi cho rằng cách xử lý, vận hành hồ chứa nước tại Khánh Hòa là rất tốt. Đồng thời, quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là nguyên nhân một phần gây ra việc cản lũ. Trước tình hình đó, bộ đã cùng với lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở NN-PTNT liên tục quan sát, kiểm tra tìm các điểm nghẽn để giải tỏa cho nước thoát”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói.
Các xe cẩu được huy động để dọn dẹp đất đá khu vực khu dân cư Hòn Xện |
Về công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu, Trung tâm Thiên tai miền Trung phối hợp với Sở NN-PTNT Khánh Hòa sớm đưa ra phương án quản lý lũ tổng hợp nước tại sông Cái Nha Trang. Đối với các khu dân cư xung yếu, địa phương cần có phương án di dời dần người dân ra khỏi các khu vực này; bảo đảm an toàn cho các khu dân cư.
Nhằm khắc phục hiệu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra, ông Đào Công Thiên chỉ đạo các ngành, các cấp của tỉnh nhanh chóng vào cuộc, cùng với người dân bị thiệt hại ra sức khắc phục, sớm ổn định đời sống; đảm bảo giao thông để người dân đi lại thuận lợi; làm tốt các vấn đề vệ sinh môi trường không để dịch bệnh xảy ra. Đối với những thiệt hại của nhân dân phải thống kê công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng, thực hiện việc hỗ trợ theo đúng quy định của Nhà nước; hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng.
Hiện nay, nước trên các sông trên địa bàn tỉnh đang xuống. Dự báo trong 24 giờ tới, lượng mưa trên địa bàn tỉnh giảm, mưa rào rải rác, có nơi đạt lượng mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 40 đến 75mm. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thông báo và thông tin thường xuyên về tình hình diễn biến của mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động ứng phó. Đồng thời, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác điều tiết, vận hành xả lũ đúng quy trình.
Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí cho địa phương để thực hiện công tác khắc phục, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố cũng bắt đầu vào cuộc để khắc phục hậu quả thiên tai.
THÀNH NAM
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến ngày 14-12, trên địa bàn tỉnh có 1 người chết (xã Diên An, huyện Diên Khánh); có 11 nhà sập, hư hỏng nặng (huyện Vạn Ninh 6 nhà, TP. Nha Trang 5 nhà); 224 nhà bị ngập (huyện Khánh Vĩnh 136 nhà, Nha Trang 82 nhà, Vạn Ninh 6 nhà); sơ tán 100 hộ với 389 người về nơi an toàn. Nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập sâu, nặng nhất là: Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh, Cam Lâm, Ninh Hòa; 1.462ha lúa bị ngập, hư hỏng; sạt lở hơn 1.100m3 đất đá trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là khu vực Trường Đại học Nha Trang, tuyến Quốc lộ 1C, đoạn đường sắt qua hầm đèo Rù Rì. Về thủy lợi, kênh thoát lũ phía tây hồ chứa nước Đường Đệ (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) bị vỡ; 6 phương tiện tàu thuyền bị chìm. Tổng thiệt hại ước tính 50 tỷ đồng.