10:12, 28/12/2016

Doanh nghiệp vận tải: Chưa điều chỉnh giá cước

Tuy giá xăng đã có mức tăng mạnh trong lần điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của năm 2016, nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa tăng giá vé, cước vận chuyển do lượng hàng hóa, hành khách ít.

Tuy giá xăng đã có mức tăng mạnh trong lần điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của năm 2016, nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải (DNVT) vẫn chưa tăng giá vé, cước vận chuyển do lượng hàng hóa, hành khách ít.


Những tháng đầu năm, sau nhiều lần giảm giá xăng dầu về mức thấp, nhiều DNVT đã tiến hành giảm giá cước vận tải cho phù hợp. Thế nhưng, trong lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 20-12, giá xăng đã có mức tăng cao (xăng RON 92 tăng 919 đồng/lít, xăng E5 tăng 800 đồng/lít, dầu diesel tăng 761 đồng/lít, dầu hỏa tăng 734 đồng/lít, dầu madut tăng 672 đồng/kg). Theo đại diện các DNVT taxi, việc xăng, dầu biến động ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là taxi. Tuy nhiên, do thời điểm này lượng hành khách không cao, nên các DN chưa tính đến việc tăng giá cước; vì mỗi lần muốn điều chỉnh giá cước, DN tốn kém nhiều chi phí phát sinh như: ngưng kinh doanh để điều chỉnh đồng hồ tính tiền, niêm chì dán tem, in dán lại đề can bảng giá…

 

Hành khách mua vé tại Bến xe phía Nam
Hành khách mua vé tại Bến xe phía Nam


Các DNVT khách tuyến cố định, DN vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng chưa có ý định điều chỉnh giá cước vận chuyển. Ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch vận tải Hà Linh cho biết, hiện nay, lượng hành khách đi xe chỉ đạt khoảng 50%/xe; hiện nay giá vé tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh 175.000 đồng/vé, một số chuyến DN đang phải bù lỗ. Khi giá xăng dầu tăng, kéo theo các mặt hàng vật tư, phụ tùng xe, thu nhập người lao động đều tăng nên chi phí rất cao. Tuy đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng do lượng hành khách ít nên DN chưa tính toán đến việc tăng giá vé theo giá xăng, dầu.  


Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải hàng hóa (đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) cho biết: “Hiện nay, DN có 10 xe vận chuyển hàng hóa, nhưng công suất hoạt động chỉ đạt hơn 50%. Thời điểm này, nếu tăng giá cước, khách hàng khó có thể chấp nhận, nhưng nếu không tăng thì thu không đủ chi. Chúng tôi chỉ còn cách cố gắng cầm cự đến đâu hay đến đó. Thời gian tới, nếu xăng dầu tiếp tục tăng, chúng tôi cũng phải tính toán đến việc tăng giá cước”.


Việc xăng dầu tăng giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tiểu thương và người tiêu dùng. Ông Đậu Công Nghị - Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, chỉ có giá cước vận chuyển mặt hàng rau, củ, quả chở đi các tỉnh phía bắc tăng khoảng 5 - 10%, còn các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên. Dự kiến, khoảng từ ngày 10-12 âm lịch, khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng cao thì giá cước vận tải mới tăng. Còn hiện tại, các mặt hàng như: lúa, gạo, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng…, giá cước vận tải vẫn giữ nguyên”.


Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho biết, giá cước vận tải do DN tự chủ theo quy định (phải đăng ký, kê khai, niêm yết), cơ quan quản lý nhà nước chỉ can thiệp khi phát hiện giá cước cao một cách bất thường. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính thống nhất chỉ đồng ý cho các DNVT tuyến cố định tăng phụ thu giá vé từ 20% đến không quá 60% chi phí chiều chạy rỗng trong dịp Tết Nguyên đán, còn dịp Tết Dương lịch giá vé vẫn giữ nguyên.


K.H