. Di dời hơn 100 hộ dân
Theo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, đến cuối giờ chiều 16-12, nhiều khu vực trong thành phố vẫn còn mưa lớn, đặc biệt nhiều khu dân cư tại xã Cam Phước Đông đã bị cô lập. Trên Quốc lộ 1, đoạn từ phường Cam Nghĩa đến phường Cam Phú, lượng nước mưa đổ về lớn gây ngập cục bộ một số nơi.
. Di dời hơn 100 hộ dân
Theo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, đến cuối giờ chiều 16-12, nhiều khu vực trong thành phố vẫn còn mưa lớn, đặc biệt nhiều khu dân cư tại xã Cam Phước Đông đã bị cô lập. Trên Quốc lộ 1, đoạn từ phường Cam Nghĩa đến phường Cam Phú, lượng nước mưa đổ về lớn gây ngập cục bộ một số nơi. Các cống thoát lũ bị thu hẹp và bồi lấp đất cát dẫn đến nước không thoát kịp làm ách tắc giao thông. Người dân phải tháo dải phân cách đoạn Quốc lộ 1 qua phường Cam Phúc Bắc để nước thoát được nhanh hơn. Đến 12 giờ 30 cùng ngày, lượng nước đã giảm bớt và xe bắt đầu lưu thông lại. Tuy nhiên nước vẫn còn ngập, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Đoạn đường Nguyễn Công Trứ ở phường Cam Nghĩa (đường lên xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm), từ Quốc lộ 1 đến Trạm Y tế phường Cam Nghĩa cũng bị ngập nặng, có nơi đến 1m. Đoạn đường Tỉnh lộ 9 bị tắc ở đoạn Hốc Da thuộc thôn Tân Hiệp (xã Cam Phước Đông). Đến chiều cùng ngày, nước đã giảm bớt nhưng xe ô tô 4 chỗ và xe gắn máy vẫn chưa lưu thông được.
Lực lượng cứu hộ dùng ca nô tiếp cận đưa các hộ dân khỏi khu vực cô lập |
Ông Phạm Văn Thưởng - Trưởng Ban dự án BOT Quốc lộ 1 qua địa bàn TP. Cam Ranh (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 194) cho biết, sáng 16-12, Quốc lộ 1 qua địa bàn TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm bị ngập sâu trong nước, nhiều điểm ngập sâu tới hơn 1m. Trong đó đáng kể nhất là khu vực: Cam Phú, Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh) và Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm), đường bị ách tắc một bên kéo dài trên đoạn tuyến khoảng 12km. Công ty đã huy động hơn 100 cán bộ, công nhân viên và hàng chục thiết bị xe máy, vật tư, đá chẻ, đá hộc… để khắc phục trong mưa lũ. Tại các điểm ngập sâu, chủ đầu tư dự án đã mở 10 điểm dải phân cách, mỗi điểm mở 2 cục nhằm thoát nước, tạo điều kiện cho người dân đi lại. Tuy nhiên do điểm mở nước chảy xiết nên công ty cắt cử lực lượng ứng trực tại những điểm này để bảo đảm an toàn cho người dân. (M.H) |
Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, do mưa lớn liên tục, nhiều khu vực ở TP. Cam Ranh bị ngập, có khu vực bị cô lập. Đặc biệt, ở đội 7 (thôn Tân Hiệp), xóm Đông (thôn Thống Nhất), xóm A và xóm B (thôn Hòa Bình) của xã Cam Phước Đông nước ngập sâu, chia cắt với các khu vực bên ngoài. Khu dân cư Vườn Dừa, thuộc tổ dân phố Trà Long 2, phường Ba Ngòi; khu dân cư Quai Mỏ và khu dân cư dọc sông Bầu Soi (thôn Mỹ Thanh), đình Võ Tá (thôn Hiệp Mỹ) ở xã Cam Thịnh Đông cũng bị ngập. Đến cuối giờ chiều, TP. Cam Ranh đã tổ chức di dời 134 hộ với 320 khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, xã Cam Thịnh Đông di dời 25 hộ, phường Cam Nghĩa 60 hộ, xã Cam Bình 20 hộ, xã Cam Phước Đông 17 hộ, xã Cam Lập 12 hộ… Ông Lâm Đào Tùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cam Phước Đông cho biết, có hàng trăm hộ dân bị cô lập do nước lũ. Lực lượng chức năng phải dùng ghe máy và xe tải loại lớn để tiếp cận các khu dân cư. Được biết, Vùng 4 Hải quân đã điều lực lượng và phương tiện hỗ trợ các vùng bị chia cắt di dời dân.
Theo thống kê sơ bộ về tình hình thiệt hại, ở thôn Bình An (xã Cam Bình) có một người bị gãy chân do sạt lở đất, 2 nhà bị sập; 3 nhà ở phường Cam Phú bị sạt lở móng… Do tình hình xả lũ các hồ ở mức độ cao nên phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở vùng hạ du bị ngập, một số đìa nuôi hải sản ở khu vực thôn Hiệp Mỹ (xã Cam Thịnh Đông) bị ngập tràn. Tại tổ dân phố Nghĩa Bình (phường Cam Nghĩa) có 15 đìa bị vỡ bờ. Ước tính sơ bộ có hơn 200 con heo, hơn 10 con bò và hàng ngàn con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Về giao thông, một số tuyến đường bị xói lở nghiêm trọng, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông, Nghĩa Phú…
Được biết, chiều 16-12, các hộ chứa nước ở Cam Ranh xả lũ với lưu lượng rất lớn. Cụ thể, hồ Suối Hành xả 109,08 m3/s, hồ Tà Rục xả 210,5 m3/s; hồ Sông Trâu (Ninh Thuận) cũng xả 194 m3/s. Ông Hải cho biết: “Thành phố đã bố trí lực lượng trực chặn các nơi nguy hiểm như các cầu tràn, khu vực dễ bị sạt lở, các đường giao thông bị ngập nước… để hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn. Bên cạnh đó, chuẩn bị phương án để sẵn sàng tiếp tục di dời dân khi cần thiết. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố thường xuyên phối hợp với ban quản lý các hồ chứa nước để thống nhất phương án xả lũ, đảm bảo an toàn về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản”.
VĂN KỲ