UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thẩm định Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Vĩnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, địa phương sẽ phát triển toàn diện các lĩnh vực, trọng tâm là tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thẩm định Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Vĩnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, địa phương sẽ phát triển toàn diện các lĩnh vực, trọng tâm là tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực
Huyện Khánh Vĩnh có nhiều lợi thế nổi bật như: độ che phủ rừng cao, chiếm 72% diện tích tự nhiên; địa hình có độ dốc phát triển thủy lợi, thủy điện; tài nguyên đất còn lớn (chiếm 22% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Song huyện cũng đứng trước nhiều hạn chế, thách thức: lượng mưa lớn tăng khả năng xói mòn đất; địa hình phức tạp, chia cắt mạnh; nguồn nước mặt không đồng đều; kinh tế còn chậm phát triển, dựa vào nông, lâm nghiệp là chính, công nghiệp chưa phát triển; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu…
Phát triển nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện Khánh Vĩnh |
Để tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm tới, trên cơ sở nghiên cứu phương án tối ưu, huyện đã chọn phương án phát triển hài hòa, đồng bộ các lĩnh vực. Trong đó, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh; nông nghiệp hình thành các vùng chuyên canh, đầu tư chiều sâu tạo sản phẩm cạnh tranh cung cấp cho công nghiệp chế biến; dịch vụ thương mại phát triển hỗ trợ cho nông nghiệp, tài chính, tín dụng… Huyện sẽ tập trung phát triển mạnh các loại cây ăn trái chủ lực: mít, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh và nhiều loại khác, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh tế trang trại tổng hợp, đa ngành nghề. Bên cạnh đó, tập trung phát triển nâng cao dân trí, nâng cao nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Sông Cầu; các công trình thủy lợi, thủy điện; hạ tầng nông thôn theo quy hoạch nông thôn mới; hoàn thiện hạ tầng thị trấn Khánh Vĩnh; hoàn thiện hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, các công trình phục vụ công cộng: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sân thể thao…
Huyện đề ra các giải pháp chủ yếu là huy động và cân đối vốn đầu tư từ các nguồn lực: ngân sách, doanh nghiệp, đất đai, đối tác công tư PPP; đầu tư xây dựng hạ tầng, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp; có cơ chế, chính sách phù hợp; tập trung phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển mạng lưới trường lớp, củng cố, đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh phổ cập tri thức về khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nông nghiệp, khuyến nông, triển khai các mô hình hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh liên kết thị trường, liên kết vùng, xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, khuyến khích hợp tác liên kết chế biến, xuất khẩu nông, lâm sản, liên kết phát triển du lịch…
Tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Chiều 24-11, ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, đơn vị tư vấn Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Vĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã hoàn chỉnh nội dung bổ sung theo yêu cầu của UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 3-11, thẩm định dự án (mục tiêu xây dựng nông thôn mới; các giải pháp phát triển nông nghiệp, mô hình sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất trên địa bàn huyện; đề xuất các giải pháp đổi mới giáo dục tại địa phương…). |
Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Khánh Vĩnh ưu tiên phát triển các loại cây trồng chủ lực như: sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, mít, ổn định diện tích cây lúa, mía. Giai đoạn 2021 - 2030, sau khi các công trình thủy lợi lớn hoàn thành (hồ Sông Chò I) đủ khả năng cấp nước sẽ mở rộng vùng trồng lúa, tăng cường thâm canh cây lúa, tăng năng suất các loại cây trồng khác như: mía, bắp, đậu… Giai đoạn tiếp theo, huyện mở rộng diện tích cây ăn quả, tạo ra vùng chuyên canh tập trung, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các loại cây đặc sản của huyện. Về chăn nuôi, từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình trang trại tập trung; đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, hình thành 2 cơ sở giết mổ tập trung tại Cụm công nghiệp Sông Cầu và xã Khánh Bình. Đến năm 2020, quy mô đàn gia súc 24.600 con, gia cầm 76.000 con, chủ yếu là gà. Đến năm 2030, đàn bò 9.000 con, heo 25.300 con, gà 102.000 con. Phát triển chăn nuôi bò theo hướng trang trại, chú trọng con giống, tạo đột phá về chất lượng; nghiên cứu, kêu gọi phát triển chăn nuôi bò sữa; chăn nuôi heo theo 2 hình thức: trang trại và hộ, tăng cường chuyển đổi hình thức như nuôi bán công nghiệp…
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, đây là phương án mà huyện và các ngành của tỉnh thống nhất cao, phù hợp với định hướng phát triển, nhưng đòi hỏi địa phương phải nỗ lực rất lớn. Các giải pháp tập trung là phát triển toàn diện các lĩnh vực, tuy nhiên nông nghiệp vẫn được ưu tiên. Trong đó, tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, đặc biệt là bưởi da xanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất sản phẩm sạch bảo đảm thương hiệu trái cây. Ngoài ra, tập trung giảm hộ nghèo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…
V.L