06:11, 25/11/2016

Cần sự chung tay của cộng đồng

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để công tác này phát huy hiệu quả cao hơn rất cần sự chung tay của cộng đồng.

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để công tác này phát huy hiệu quả cao hơn rất cần sự chung tay của cộng đồng.


Hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành


Chị Nguyễn Thị T. (39 tuổi, phường Phước Long, TP. Nha Trang) lập gia đình và sinh 3 con gái. Năm 2014, bị chồng bạo hành cả về thể chất và tinh thần, chị phải tạm lánh tại địa chỉ tin cậy cộng đồng của phường, rồi xin ở nhờ trong căn nhà kho cũ của hàng xóm. Chị kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai. Nhiều hôm không còn tiền, hàng xóm phải cho gạo và thức ăn. Đúng lúc khó khăn chồng chất, chị được giới thiệu đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (số 193 đường Phước Long, TP. Nha Trang). Qua sự giới thiệu của trung tâm, các con chị được Chương trình Chăm sóc trẻ em ban ngày của Tổ chức phục vụ trẻ em quốc tế hỗ trợ. Dự án đã giúp 2 con chị có điều kiện học mầm non (hỗ trợ chi phí học 5 tháng đầu), hỗ trợ tiền ăn 1 tháng cho cả gia đình chị với số tiền hơn 11 triệu đồng. Chị T. chia sẻ: “Sự giúp đỡ kịp thời của các tổ chức, hội, đoàn thể đã giúp tôi có thêm động lực sống và làm việc để lo cho các con”.

 

Cán bộ phụ nữ xã Phước Đồng tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại thôn Phước Lợi
Cán bộ phụ nữ xã Phước Đồng tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại thôn Phước Lợi


Mẹ con chị Ngô Thị Y. (47 tuổi, xã Phước Đồng) bị chồng bạo hành nhiều năm cũng được cộng đồng, hội, đoàn thể xã Phước Đồng quan tâm hỗ trợ tư vấn. Chị Y. cho biết, cuộc sống gia đình bị đảo lộn từ khi chồng chị ngoại tình, thường xuyên đánh đập vợ, con. Trước tình cảnh đó, chị đã tìm đến câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc của Hội Phụ nữ xã nhờ giúp đỡ, can thiệp. Hội đã chủ động phối hợp với lực lượng công an và các đoàn thể hòa giải, tạm giữ, giáo dục gần chục lần nhưng chồng chị vẫn chứng nào tật ấy. Năm 2012, để giải tỏa sức ép tâm lý cho các con, chị chấp nhận ly hôn. Nhờ Hội Phụ nữ xã cho đi tham quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế, kỹ thuật chăn nuôi, chị Y. tập trung chăm 3 con ăn học và chăn nuôi heo thịt. Đến nay, chị đã có việc làm ổn định, các con được học hành. “Nhờ các chị ở Hội Phụ nữ xã tư vấn, chia sẻ, tôi đã đủ sức đứng lên sau đổ vỡ gia đình để chăm lo cho các con nên người”, chị Y. nói.


Trên đây là 2 trong nhiều nạn nhân bị bạo lực gia đình đã được các ngành, tổ chức, hội, đoàn thể hỗ trợ về tinh thần, can thiệp, trợ giúp kịp thời, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.


 Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) được thành lập tháng 3-2015, nhằm triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Trung tâm còn là địa chỉ cung cấp các dịch vụ khẩn cấp trong tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động, trẻ em bị bỏ rơi; thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi.... Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tư vấn, tuyên truyền các vấn đề về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho gần 400 lượt người qua số điện thoại 058 3883040; can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho 8 trường hợp bị bạo lực gia đình, 3 trường hợp trẻ bị xâm hại... Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các hội, đoàn thể cơ sở, thôn, tổ dân phố hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình các chương trình như: hỗ trợ sinh kế cho gia đình có con là học sinh, sinh viên; hỗ trợ bà mẹ đơn thân; hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non...


Cần sự chung tay


Trên địa bàn tỉnh hiện có 135 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, 488 cơ sở tư vấn, 248 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình... Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thành lập được 2.599 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Bình quân mỗi thôn, tổ dân phố có 3 địa chỉ được bố trí tại nơi cá nhân, tổ chức có uy tín của thôn, tổ dân phố, có khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư khi nạn nhân có yêu cầu được giúp đỡ, tạm lánh. Nhờ có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và các cơ sở này, số vụ bạo lực gia đình đã giảm từ 306 vụ đối với nữ, 22 vụ đối với trẻ em (năm 2013) xuống còn 95 vụ đối với nữ và 2 vụ đối với trẻ em (đến tháng 8-2016).

 

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, giai đoạn 2008 - 2015 đã có 10 vụ bạo lực gia đình được đưa ra xử lý hình sự; 20 vụ áp dụng các biện pháp giáo dục; xử phạt hành chính 36 trường hợp; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 14 trường hợp và áp dụng các biện pháp giáo dục khác 14 vụ; 1.176 nạn nhân/1.645 vụ bạo lực gia đình được phát hiện và đưa đến địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và các cơ sở trợ giúp để nhận được tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc về y tế; 1.195 người gây bạo lực gia đình được phát hiện và tư vấn...

Ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: “Nạn nhân các vụ bạo lực gia đình thường là phụ nữ, trẻ em. Các trường hợp được trung tâm hỗ trợ can thiệp đa số do người thân, hàng xóm báo tin do nạn nhân thường cam chịu và e ngại dư luận nên chưa tìm đến với các tổ chức cộng đồng để được giúp đỡ. Chính vì vậy, nếu cộng đồng chung tay giúp đỡ, nâng cao nhận thức thì những nạn nhân sẽ nhận được sự trợ giúp kịp thời và hiệu quả hơn”.


Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện còn gặp nhiều khó khăn như: việc huy động nam giới - đối tượng dễ gây bạo lực gia đình - tiếp cận thông tin tuyên truyền còn hạn chế; một số xã, phường chỉ có cán bộ văn hóa - xã hội kiêm nhiệm công tác gia đình mà không có cán bộ chuyên trách; kinh phí hoạt động và các nguồn lực hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình còn  hạn hẹp… Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả hơn, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 937 ngày 15-4-2015 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo việc xây dựng, duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng. Bên cạnh duy trì các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các tổ chức, hội, đoàn thể tại địa phương cần phòng, chống các tệ nạn xã hội liên quan đến bạo lực gia đình; giáo dục kiến thức, kỹ năng sống, nhất là đối với phụ nữ để xây dựng gia đình hạnh phúc.


ĐỖ PHAN