Hiện nay vấn đề bạo lực đối với phụ nữ đang ngày càng gia tăng. Để xóa bỏ tình trạng này trên toàn thế giới, Liên hợp quốc đã chọn ngày 25-11 hàng năm là "Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ".
Hiện nay vấn đề bạo lực đối với phụ nữ đang ngày càng gia tăng. Để xóa bỏ tình trạng này trên toàn thế giới, Liên hợp quốc đã chọn ngày 25-11 hàng năm là “Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ”.
Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) được Đại Hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18-12-1979 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3-9-1981 sau khi quốc gia thứ 20 thông qua. Đây là điều ước quốc tế quan trọng nhất và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ. Việt Nam tham gia phê chuẩn ngày 18-12-1982. Ngày 25-11 hàng năm đã được Liên hợp quốc lấy làm ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 16 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát vào năm 1960 tại Cộng hòa Đôminíc. Là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Mặc dù Liên hợp quốc và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng, chống bạo lực gia đình và ban hành nhiều văn kiện pháp lý liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình và hiện đã có 89 nước trên thế giới có các quy định pháp luật riêng về chống bạo lực gia đình, trong đó có 60 nước nước có luật về phòng, chống bạo lực gia đình; 7 nước có luật riêng về bạo lực chống lại phụ nữ… nhưng ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bạo lực về thể chất, nhất là bạo lực tình dục đối với phụ nữ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và dễ dàng nhận thấy. Đó là việc phá thai, mang thai ngoài ý muốn. Phá thai, nạo thai ngoài ý muốn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe người phụ nữ. Phụ nữ trong quá trình mang thai bị hành hạ, đánh đập dễ có nguy cơ sảy thai, tử vong cho người mẹ; đứa trẻ dễ bị đẻ non, suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu; trẻ sinh ra không được ai chăm sóc và không được phát triển toàn diện. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ như tiếng chuông cảnh báo về sự gia tăng các hành vi bạo lực vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai và sự bền vững của gia đình.
Là một trong những quốc gia sớm tham gia Công ước CEDAW, trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia bằng nhiều biện pháp đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Một trong những biện pháp quan trọng mà Việt Nam áp dụng để hoàn thành trách nhiệm của một quốc gia thành viên CEDAW, đó là việc xây dựng chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Nhân “Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11)”, mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng cần tiếp tục kiên trì đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ bằng những hành động thiết thực, cụ thể nhằm tác động đến xã hội để cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng cũng như nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống.
T.A (Tổng hợp)