10:11, 02/11/2016

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Vạn Ninh thực hiện có hiệu quả công tác vận động các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ hội viên, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Vạn Ninh thực hiện có hiệu quả công tác vận động các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ hội viên, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.


Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Vạn Ninh có 10 chi hội với hơn 257 hội viên; đời sống của hội viên hầu hết còn nhiều khó khăn do ốm đau, bệnh tật. Xác định việc vận động giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam là việc làm thiết thực, ý nghĩa, 15 năm qua, hội đã vận động các đơn vị trao tặng hơn 1.000 suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời, từ năm 2011 đến nay, đã sửa chữa và xây mới 12 căn nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 385 triệu đồng. Riêng trong 10 tháng năm 2016, hội đã vận động tặng 108 suất quà với kinh phí gần 33 triệu đồng; hỗ trợ 60 triệu đồng xây mới 1 căn nhà cho hội viên khó khăn về nhà ở.

 

Ông Nguyễn Đắc Khành (xã Xuân Sơn) chăm sóc dừa xiêm
Ông Nguyễn Đắc Khành (xã Xuân Sơn) chăm sóc dừa xiêm


Song song đó, hội giải quyết các chế độ chính sách cho hội viên rất kịp thời, góp phần giúp nhiều hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông Nguyễn Đắc Khành ở xã Xuân Sơn là một trong những hội viên được hưởng chế độ hơn 3 triệu đồng/tháng do tỷ lệ nhiễm chất độc da cam dioxin cao, trên 81%. Tuy cơ thể bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, khó khăn trong việc đi lại, song nhiều năm qua, ông Khành vẫn cố gắng lao động, kiên trì cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 2ha mía, 150 gốc dừa xiêm đang cho trái và 1 ao nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Còn ông Đào Duy Hạnh ở xã Vạn Phú, hội viên bị nhiễm chất độc da cam dioxin 61%, có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở tạm bợ. Từ khi được hội vận động hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại ngôi nhà khang trang, cuộc sống của gia đình ông tương đối ổn định. Ông Hạnh cho biết, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương; hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, hội thường tổ chức gặp mặt hội viên, tặng quà và tổ chức các chuyến đi an dưỡng tại các tỉnh, thành trong nước.


Theo ông Nguyễn Đức Phán - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, vươn lên bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống, nhưng những nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn đang hàng ngày phải đối diện với nỗi đau về thể xác, tinh thần và sự khó khăn trong cuộc mưu sinh. Vì thế, họ rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của toàn xã hội. Đó chính là nguồn động viên lớn lao giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập với cộng đồng. “Chúng tôi vận động mọi nguồn lực ủng hộ xây dựng quỹ hội và xác định đây không phải là quỹ từ thiện mà là quỹ đền ơn đáp nghĩa, để từ đó có điều kiện chăm sóc các nạn nhân da cam với tinh thần uống nước nhớ nguồn. Tuy vậy, việc vận động quỹ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vì thế, trong thời gian tới, ngoài việc tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành, hội sẽ tiếp tục duy trì công tác vận động để tạo quỹ. Đồng thời, chủ động sáng tạo nhiều hình thức vận động khác để có điều kiện giúp đỡ hội viên, nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, ông Phán nói.


HOÀI DUY