Việc xét tuyển vào lớp 10, mới qua 4 năm thực hiện, đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập làm cho dư luận hoài nghi về 1 chủ trương ban đầu được cho là đúng đắn, nhiều ưu điểm...
Việc xét tuyển vào lớp 10, mới qua 4 năm thực hiện, đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập làm cho dư luận hoài nghi về 1 chủ trương ban đầu được cho là đúng đắn, nhiều ưu điểm.
Một lớp học tại Trường THCS Lý Thái Tổ, TP. Nha Trang. |
Xét tuyển làm cho bệnh thành tích trong giáo dục trở nên trầm trọng, điều mà ngành giáo dục đang tìm cách hạn chế. Nhìn vào chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang, chúng ta thấy chưa có khi nào số lượng học sinh (HS) giỏi cấp trung học cơ sở (THCS) nhiều, tăng đột biến như những năm vừa qua. Có lẽ đây là điều đáng mừng cho xã hội chăng khi HS hiện nay đa số đều giỏi, chất lượng giáo dục đã trở nên xuất sắc? Điều này có thể hiểu được phần nào thông qua đợt việc đánh giá, xếp loại HS cấp THCS, Sở GD-ĐT Khánh Hòa phát hiện có nhiều trường THCS trên địa bàn vi phạm trong việc cho điểm, ghi điểm…
Xét tuyển không hề giảm áp lực học hành, thi cử mà thực sự gây tác dụng ngược lại. Tiêu chí xét tuyển tạo áp lực điểm, danh hiệu cho HS từ khi bước vào bậc trung học cơ sở. Trước đây, khi mới bước vào bậc học mới, HS được có thời gian làm quen dần với môi trường mới. Còn với cách xét điểm như hiện nay, HS lớp 6 buộc phải lao ngay vào guồng máy “điểm, danh hiệu” vì nếu chỉ mất danh hiệu HS giỏi 1 năm lớp 6 là coi khi không còn cơ hội vào ngôi trường cấp 3 yêu thích, cho dù thành tích học tập những năm sau có cao đến thế nào.
Tiết kiệm chi phí tổ chức thi, HS ôn luyện năm cuối cấp nhưng lại gây lãng phí, tăng áp lực tài chính gấp nhiều lần đối với phụ huynh trong suốt 4 năm học. Liệu như vậy có thực sự tiết kiệm? Trước đây, dường như đa số phụ huynh chỉ bắt đầu nghĩ đến việc cho con học thêm vào những năm cuối cấp 2 thì bây giờ với cách xét tuyển lớp 10 như hiện nay, phụ huynh phải lo “tìm thầy” cho con ngay từ khi bước vào lớp 6 để đảm bảo một bảng điểm “hoàn hảo” khi xét tuyển.
Chính vì thế, nói xét tuyển sẽ hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm thì thật sự nhầm lẫn. Để có thành tích 4 năm liên tục là HS giỏi, nhiều em đã phải học thêm 5, 6 môn trong suốt 4 năm học. Và mục đích chính của việc học thêm không nhằm tăng thêm kiến thức, mà như các phụ huynh tiết lộ, là nộp tiền để “ghi tên, mua điểm”. Liệu có phụ huynh nào có thể yên tâm khi không “gửi con” vào các lớp học thêm trước thực tế đó?
Theo tôi, phương thức tuyển sinh nào cũng có ưu, nhược điểm nhưng với hình hình hiện nay, việc thi tuyển kết hợp với xét tuyển là phù hợp nhất, vừa khuyến khích nỗ lực học tập của HS trong suốt quá trình học, nhìn nhận được sự tiến bộ cũng như đánh giá thực lực của HS thông qua bài thi cuối cấp, góp phần trong nỗ lực đẩy lùi bệnh thành tích, giảm nạn học thêm, dạy thêm tràn lan…
Long Mỹ