Cơn mưa lớn đêm 11, rạng sáng 12-11 đã khiến nhiều công trình giao thông, cấp nước trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị hư hỏng nặng, nhiều khu sản xuất nông nghiệp bị chia cắt…
Cơn mưa lớn đêm 11, rạng sáng 12-11 đã khiến nhiều công trình giao thông, cấp nước trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị hư hỏng nặng, nhiều khu sản xuất nông nghiệp bị chia cắt…
Đến thôn Giang Biên (xã Sơn Thái), chúng tôi gặp anh Hà Bia đang tìm cách chuyển hàng trăm ký củ mì qua suối Gia Lố. “Mấy ngày gần đây, tại Sơn Thái thường xuyên xảy ra mưa lớn. Nước về nhanh khiến cầu tràn suối Gia Lố bị cuốn đi gần hết. Việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân từ khu sản xuất Gia Ngóe về trung tâm xã rất khó khăn, nguy hiểm”, anh Biên nói.
Cầu tràn qua suối Gia Lố (Sơn Thái) bị sạt lở nghiêm trọng |
Ông Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: “Khu vực sản xuất Gia Ngóe là nơi tập trung phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân 2 xã Sơn Thái và Liên Sang, với hơn 400ha đất nông, lâm nghiệp. Cầu tràn suối Gia Lố bị nước cuốn trôi đã làm cho tuyến đường vào khu sản xuất này bị chia cắt hoàn toàn. Hiện UBND xã đã tiến hành rào chắn, cảnh báo người và phương tiện không qua lại khu vực này để đảm bảo an toàn”.
Ngược đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng, tại Km 39+300 chúng tôi thấy xuất hiện một điểm sạt lở, hàng chục mét khối đất đá sạt xuống vệ đường khiến hệ thống cấp nước sinh hoạt cho xã Sơn Thái bị tê liệt. Ông Phan Hải Đăng - Trưởng Ban quản lý Công trình công cộng và môi trường huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Toàn bộ hệ thống cấp nước sinh hoạt Sơn Thái có công suất 350m3/ngày đêm, cấp nước cho 320 hộ dân 2 thôn Giang Biên và Bố Lang đã bị tê liệt hoàn toàn. Chúng tôi đang nỗ lực khắc phục để sớm cấp nước sinh hoạt trở lại cho người dân”. Mưa lũ còn khiến hệ thống ngăn tích nước đầu nguồn của Nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh bị cuốn trôi, khiến nước không dâng lên được, ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn.
Trong khi đó, mưa lũ đã khiến cho khu vực sản xuất sông Máu (thuộc 2 thôn Suối Cát, Đa Râm, xã Khánh Thượng) bị chia cắt. Ông Pi Năng Thạo (thôn Suối Cát) cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào mì, 4 sào bắp trồng ở khu sản xuất sông Máu, mấy ngày qua nước lớn quá nên không thể qua sông thu hoạch được. Cứ đà này chắc chắn mì sẽ bị úng, bắp sẽ bị hư”. Cũng theo ông Thạo, trước khi trời mưa, nhiều hộ trong thôn đã nhổ mì non để bán với giá 600 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Bích Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng cho biết: “Hiện tại, khu vực này có khoảng 17ha mì, hơn 20ha bắp của người dân đang chờ thu hoạch. Nếu mưa tiếp tục kéo dài chắc chắn nông sản sẽ bị thiệt hại nặng. Chính quyền địa phương đã cắt cử lực lượng túc trực ở những điểm xung yếu, cầu tràn để đảm bảo an toàn cho người dân”.
Từ đầu tháng 11 đến nay, mưa lũ đã làm 1 người bị cuốn trôi, bờ tả sông Trang thuộc thôn Gia Rít (Giang Ly) bị sạt lở 226m. Các điểm cầu tràn trên địa bàn như: Thác Ngựa, sông Giang, sông Chò, sông Trang, suối Khao… ngập từ 1 - 2m. Ngoài ra, mưa lũ còn gây sạt lở, hư hỏng đường giao thông liên thôn Ba Cẳng - Hòn Lay (Khánh Hiệp), sạt lở một số đoạn trên tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng, cầu tràn vào khu sản xuất Gia Ngóe bị cuốn trôi, một số hệ thống cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng. Về hoa màu, có 7ha mì, 31ha bắp bị thiệt hại hơn 70%, 920 gốc chuối bồ hương bị đổ ngã, 0,4ha lúa vụ mùa bị ngập úng. |
Một trong những nỗi lo lớn nhất của người dân các xã cánh tây huyện Khánh Vĩnh là mưa lũ đang khiến nhiều gia đình sinh sống ven các sông suối, sườn núi đứng trước nguy cơ bị sạt lở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Sơn Thái có 142 hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở; ở các xã Giang Ly, Khánh Thượng, Liên Sang cũng có hàng chục hộ dân đang có chung nỗi lo này. Ông Hà Nguyên (người T’Rin, thôn Bố Lang, xã Sơn Thái) cho biết: “Nhà tôi ở cạnh sông Trang, cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua, sông lại tiến vào gần nhà thêm 1 - 2m. Bây giờ, nhà chỉ còn cách sông hơn 2m. Mấy hôm nay mưa lớn, tôi phải thường xuyên ra xem nước sông có chảy xiết không, bờ sông bị sạt lở đến đâu để còn kịp rời khỏi nhà”.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Khánh Vĩnh: Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra mưa liên tục. Nước dâng cao làm ngập cầu tràn, ảnh hưởng đến giao thông, thiệt hại về người, hoa màu và cơ sở hạ tầng. Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung tối đa nhân lực, vật lực ứng phó với thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, tập trung những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các điểm thường xuyên ngập lụt, các cầu tràn”.
Hải Lăng - Hồng Đăng