11:08, 16/08/2015

Đối thoại tại nơi làm việc: Nhiều doanh nghiệp phớt lờ

Theo quy định, người sử dụng lao động phải tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại với người lao động theo định kỳ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp phớt lờ quy định này.

Theo quy định, người sử dụng lao động phải tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ) và đối thoại với NLĐ theo định kỳ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp (DN) phớt lờ quy định này.


Đối thoại tìm tiếng nói chung


Chứng kiến buổi đối thoại tại nơi làm việc do Công ty TNHH Long Sinh (Khu công nghiệp Suối Dầu) tổ chức, chúng tôi thấy được sự hài lòng của NLĐ khi những tâm tư, nguyện vọng của họ được chủ DN giải đáp thỏa đáng. Hầu hết ý kiến của NLĐ đều tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống công nhân như: công tác bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ công nhân khó khăn, tìm đầu ra cho sản phẩm để có nhiều việc làm... Bên cạnh đó, thông qua buổi đối thoại, NLĐ cũng biết được những khó khăn DN đang gặp phải để cùng chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Thảo - công nhân Công ty TNHH Long Sinh cho biết, 3 tháng một lần, DN lại tổ chức đối thoại với NLĐ; hàng năm, DN đều tổ chức hội nghị NLĐ. Nhờ đó, những thắc mắc, ý kiến đề đạt chính đáng của công nhân được chủ DN giải đáp, tiếp thu điều chỉnh phù hợp. Chính vì vậy, hầu hết công nhân ở đây rất an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với đơn vị. Theo ông Vương Vĩnh Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh, thông qua đối thoại mà công ty và NLĐ hiểu nhau hơn, từ đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong đơn vị.

 

Công nhân an tâm làm việc khi quyền lợi được đảm bảo
Công nhân an tâm làm việc khi quyền lợi được đảm bảo


Theo báo cáo của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 DN đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay chỉ có hơn 180 đơn vị tổ chức đối thoại định kỳ và hội nghị NLĐ. Những DN chưa tổ chức phần lớn là DN nhỏ, tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó dễ dẫn đến các cuộc đình công, lãn công.


Doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện


Ngày 10-8 vừa qua, gần 100 công nhân Công ty TNHH Ganllant Ocean Việt Nam (Khu công nghiệp Suối Dầu) đình công do những bức xúc về quyền lợi của mình không được chủ DN giải quyết. Nguyên nhân do công ty không tổ chức đối thoại định kỳ và hội nghị NLĐ để công nhân trình bày quyền lợi chính đáng. Trước sự việc đó, Công đoàn (CĐ) Các khu công nghiệp và khu kinh tế tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng trực tiếp gặp gỡ NLĐ và làm việc với lãnh đạo công ty để tìm hướng giải quyết. Nhờ đó, cuộc đình công chấm dứt, phía lãnh đạo công ty hứa sẽ tổ chức hội nghị NLĐ để 2 bên gặp gỡ, giãi bày, chia sẻ khó khăn chung.


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều DN chưa chú trọng tổ chức đối thoại định kỳ và hội nghị NLĐ, họ phớt lờ hoặc chưa nắm được những quy định của pháp luật... Về phía NLĐ, do chưa nắm vững các quy định pháp luật, không chủ động đề xuất hoặc không thông qua người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình (tổ chức CĐ) đề xuất đối thoại với chủ DN để tìm phương hướng giải quyết những mâu thuẫn phát sinh. Chỉ đến khi cảm thấy quá thiệt thòi về quyền lợi, NLĐ mới tự phát lãn công, đình công...


Tuy đã có quy định về xử phạt nếu không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhưng đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa xử phạt DN nào. Do đó, chưa đủ tính răn đe đối với các DN không thực hiện các quy định... “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về nội dung này, cương quyết xử lý nghiêm những đơn vị cố tình không thực hiện đối thoại định kỳ và hội nghị NLĐ. Các DN trên địa bàn tỉnh cần nghiêm túc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, nếu để bị xử phạt thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DN”, ông Trí nói.


Hiện nay, vẫn còn nhiều đơn vị chưa thành lập tổ chức CĐ cơ sở, hoặc có tổ chức CĐ nhưng đội ngũ cán bộ CĐ còn yếu về chuyên môn, kỹ năng, không hỗ trợ được NLĐ để thực hiện đối thoại với chủ DN. Vì vậy, CĐ cấp trên cơ sở cần nỗ lực giúp cho CĐ cơ sở đối thoại với chủ DN; tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ CĐ cơ sở, đặc biệt là cán bộ CĐ trong các DN tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài.


PHÚ VINH