Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) trong cuộc họp ngày 4-8 nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Dự án cầu vượt đường sắt Hòa Tân, Cam Lâm.
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) trong cuộc họp ngày 4-8 nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Dự án cầu vượt đường sắt Hòa Tân, Cam Lâm.
Người dân ngăn cản thi công
Trước đó, sáng 1-8, hàng chục hộ dân ở thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân đã ngăn cản không cho đơn vị thi công thực hiện quá trình thảm nhựa mặt cầu Hòa Tân. Nguyên nhân chính là do các hộ dân quá bức xúc trước việc đơn vị thi công gây nứt hàng loạt căn nhà nhưng chậm giải quyết, đến khi giải quyết thì giá cả và khối lượng đền bù không thỏa đáng.
Hiện cầu vượt đường sắt Hòa Tân chưa thể hoàn thiện vì người dân ngăn cản |
Ông Lê Văn Khoa bức xúc: “Căn nhà 3 tầng làm hết cả tỷ đồng, giờ nứt khắp nơi, hư hại rất nhiều. Vậy mà khi áp giá, họ chỉ đền 70 triệu đồng. Tôi khiếu nại, họ nâng lên 85 triệu thì làm sao có thể chấp nhận được? Một căn nhà kiên cố nay trời mưa nước ngấm qua sàn chảy vào nhà, chưa kể là dầm ngang chịu lực cũng bị nứt, gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực. Số tiền đền bù đó sao đủ để sửa chữa lại hư hỏng. Một số thầu xây dựng báo giá cho tôi biết, để khắc phục những hư hại này phải tốn hơn trăm triệu đồng”. Theo ông Trịnh Đức Thảo, ông có 2 căn nhà cấp 3 bị nứt rất nhiều nhưng đơn vị bảo hiểm chỉ tính những vết nứt lớn, bỏ qua các vết nứt nhỏ. Chính vì thế, khi áp giá đền bù gia đình ông chỉ được 14 triệu đồng.
Dự án cầu vượt đường sắt Hòa Tân do Ban quản lý Dự án 7 Tổng cục Đường bộ quản lý và được thi công bởi Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây dựng Thăng Long (có trụ sở chính tại Hà Nội). Lãnh đạo công ty này cũng thừa nhận trong quá trình thi công cầu đã xảy ra tình trạng nứt nhà dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân; khi sự cố xảy ra, đơn vị thi công bỏ qua ý kiến người dân, tiếp tục thi công và dẫn tới hàng loạt căn nhà bị hư hỏng.
Ông Lê Văn Xuê (Trưởng thôn Vĩnh Phú) cho biết, kể từ khi nhà dân bị nứt đến nay đã hơn 1 năm. Người dân và cán bộ thôn nhiều lần kiến nghị lên đơn vị thi công. Nhưng khi áp giá đền bù, nhiều hộ không đồng tình vì họ cho rằng mức giá đó không đủ để sửa lại công trình hư hỏng. Hiện cầu vượt Hòa Tân sắp hoàn thành nên người dân lo lắng, kiên quyết ngăn cản đơn vị thi công, khi nào giải quyết xong việc bồi thường thiệt hại thì mới cho tiếp tục hoàn thiện công trình.
Chính quyền đã vào cuộc
Trước những phản ứng quyết liệt của người dân, ngày 4-8, UBND huyện Cam Lâm đã cho mời các bên liên quan họp cùng với người dân để giải quyết vướng mắc. Tại cuộc họp, hầu hết người dân đều cho rằng cách tính khối lượng đền bù của Công ty Bảo hiểm PVI TP. Hồ Chí Minh không chính xác. Phía bảo hiểm chỉ tính chi phí sửa sang các vết nứt bằng cách trám, trét nên giá thành bồi thường rất thấp. Đã vậy phần hư hại được tính để đền bù chỉ từ trần nhà xuống chạm đến móng. “Nhà muốn vững thì phải có cốt móng tốt, vậy nhưng khi tính bảo hiểm chỉ tính theo kiểu xây lại tường hoặc trám, trét. Vậy nứt từ cốt thép thì làm sao chỉ trám trét được. Cần phải có tính toán hợp lý. Tường nhà khi xây lại chỉ tính từ la phông đến chạm móng. Vậy mái và chân móng hư thì ai chịu?” - ông Vương Duy Hưng (người dân thôn Vĩnh Phú) thắc mắc. Để có thể bồi thường các công trình hư hại một cách chính xác, công bằng, các hộ dân kiến nghị, UBND huyện Cam Lâm cùng chủ đầu tư và Công ty Bảo hiểm PVI TP. Hồ Chí Minh thành lập đoàn giám định để kiểm tra lại tất cả các công trình bị hư hại để có mức bồi thường thỏa đáng.
Có nhiều căn nhà bị nứt như thế này |
Ông Bùi Đức Hưởng - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án 7 Tổng cục Đường bộ cho biết, việc xây dựng cầu vượt Hòa Tân nằm trong gói thầu số 4 thi công Quốc lộ 1A. Quy mô xây dựng cầu vượt được Bộ thỏa thuận với địa phương. “Ngày 1-8, người dân không cho thảm nhựa, công ty phải đổ 2 xe bê tông nhựa, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Chúng tôi còn ở đây 4 năm bảo hành nên người dân không phải lo sợ chúng tôi bỏ đi. Tôi khẳng định mọi chính sách vẫn diễn ra bình thường. Ban quản lý Dự án 7 Tổng cục Đường bộ sẽ làm cam kết bồi thường cho người dân. Mong bà con cho đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ” - ông Hưởng hứa.
Để hài hòa quyền lợi của các bên, bà Nguyễn Thị Thạnh khẳng định: “Việc thi công cầu vượt gây nứt nhà dân đề nghị Ban quản lý Dự án 7 phải có trách nhiệm. UBND huyện không đồng ý với cách tính thiệt hại như hiện nay mà phải tính đến mức độ ảnh hưởng chung của căn nhà để tính toán khối lượng đền bù hợp lý. Tuy nhiên, đền bù thì cũng phải có nguyên tắc và giá cả theo quy định”. Bà Thạnh đề nghị các hộ dân tự kê khai, xác định thiệt hại của gia đình rồi nộp UBND xã tổng hợp, gửi cho Ban Quản lý Dự án 7 trước ngày 7-8. Khi đã có bảng tổng hợp thiệt hại, chủ đầu tư phải mời Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng thẩm định lại. “Tôi sẽ trực tiếp tham gia quá trình xử lý vấn đề này. Tôi cam kết sẽ đảm bảo quá trình đền bù công bằng. Người dân phải để đơn vị thi công tiếp tục làm đường. Nếu qua ngày 7-8 không giải quyết được các vấn đề vừa nêu thì chúng tôi sẽ yêu cầu dừng thi công” - bà Thạnh khẳng định.
Đình Lâm