09:05, 31/05/2015

Nỗ lực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) trên địa bàn tỉnh.


- Ông có thể cho biết những kết quả tỉnh đã đạt được qua 10 năm thực hiện Luật BVCSGDTE?


- Sau khi Luật BVCSGDTE năm 2004 có hiệu lực thi hành, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật; đồng thời ban hành các chế độ, chính sách dành cho trẻ em.


Về bảo vệ trẻ em, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở bảo trợ công lập, 1 làng trẻ em SOS, 1 trường dạy trẻ em Làng SOS và 13 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập nuôi dưỡng hơn 700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Toàn tỉnh đã xây dựng 137/140 xã, phường, thị trấn được UBND cấp huyện công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em (đạt 97,86%); hơn 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu; hơn 700 hộ gia đình được tư vấn trực tiếp về tầm quan trọng của việc học tập đối với trẻ em.


Về chăm sóc trẻ em, với sự nỗ lực chăm sóc của hệ thống ngành Y tế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 21,38% (năm 2005) đã giảm xuống còn 9,48% (năm 2014). Số lượng trẻ em được tiêm chủng hàng năm luôn đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trẻ em nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí. Trẻ khuyết tật được chăm sóc dưới nhiều hình thức khác nhau tại các mô hình dựa vào gia đình và cộng đồng; nhiều em được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim... miễn phí. Đặc biệt, khoảng 600 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật tim, phục hồi sức khỏe...


Về giáo dục trẻ em, tỉnh thực hiện tốt chính sách miễn, giảm cho trẻ em thuộc diện chính sách đang đi học; có các chế độ hỗ trợ, chính sách ưu tiên cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích học tập khá, giỏi... Đặc biệt, gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn, con em có nguy cơ bỏ học được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tạo điều kiện cho vay tiền để tiếp tục đến lớp... Từ năm 2005 đến 2014, tỷ lệ trẻ em đi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi tăng từ 77 lên 82,4%; tỷ lệ trẻ em vào lớp 1 đúng độ tuổi đến năm 2014 đạt 96,6%; tỷ lệ trẻ em học THCS đúng độ tuổi đạt hơn 94%.


Về thực hiện quyền vui chơi giải trí và quyền tham gia của trẻ em, hiện nay, toàn tỉnh có 7 nhà thiếu nhi, hơn 250 điểm vui chơi và hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở, trường học, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em. Những năm gần đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các diễn đàn trẻ em với quy mô nhỏ nhằm tạo sự tự tin cho trẻ như: “Lắng nghe tiếng nói trẻ em”, “Bạo lực gia đình dưới góc nhìn của trẻ em”... Toàn tỉnh có hơn 300 câu lạc bộ hoạt động có sự tham gia của trẻ em như: “Ông bà cháu”, “Phóng viên nhỏ”, “Chung tay bảo vệ an toàn cho sự phát triển trẻ em”, “Quyền trẻ em”... đã thu hút nhiều trẻ em tham gia...


- Quá trình triển khai Luật có gặp khó khăn gì không, thưa ông?


- Qua hơn 10 năm triển khai, thực tiễn cho thấy: Luật BVCSGDTE quy định tuổi trẻ em không đồng nhất với các bộ luật khác có các điều khoản liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, trong Luật BVCSGDTE chưa quy định rõ các chế tài xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em. Ngoài ra, Luật quy định rõ trách nhiệm của các cấp nhưng chưa quy định hình thức xử lý nếu không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt; hoặc quy định chưa cụ thể trách nhiệm giải quyết của các cơ quan... Điều này làm cho quyền của trẻ em chưa được thực hiện đầy đủ; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, coi trọng công tác cán bộ làm công tác BVCSGDTE nên Luật chưa được tổ chức triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả; công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ trong việc đảm bảo các quyền của trẻ em, dẫn đến trẻ em bị xâm hại, bạo lực chưa được hỗ trợ kịp thời.


- Để Luật được thực thi có hiệu quả hơn nữa, theo ông cần phải sửa đổi những gì?


- Nên đổi tên Luật BVCSGDTE thành Luật Trẻ em; bổ sung thêm nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào trong Luật như: trẻ em bị buôn bán, bắt cóc, bị bạo lực; giải thích rõ định nghĩa về trẻ em lang thang để tránh nhầm lẫn với trẻ em lao động kiếm sống trên phố. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc, người giám hộ, nhà trường, các cơ quan, tổ chức và chính quyền cơ sở trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và cá nhân trong hệ thống quản lý nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đoàn thể khi tham gia lĩnh vực BVCSGDTE...


- Xin cảm ơn ông!


M.T (Thực hiện)