Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, tuy các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cố gắng nhưng do có những khó khăn, vướng mắc… nên hiệu quả rất thấp.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, tuy các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cố gắng nhưng do có những khó khăn, vướng mắc… nên hiệu quả rất thấp.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
|
Tăng cường hơn nữa việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. |
Trong buổi làm việc với ngành Giao thông và các địa phương về tình hình an toàn giao thông mới đây, ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo: Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xã, phường, thị trấn truy thu những trường hợp chưa nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô các năm trước, xử phạt nghiêm những trường hợp chây ì, cố tình không nộp phí; tiếp tục phổ biến quy định thu phí sử dụng đường bộ đến từng thôn, tổ dân phố; rà soát, kê khai chính xác số lượng xe mô tô trên địa bàn. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông kết hợp nhắc nhở những đối tượng không đóng phí sử dụng đường bộ khi lưu thông trên đường. |
Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô để có kinh phí duy tu, sửa chữa đường. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, việc thu phí đạt kết quả rất thấp và gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo của Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương, năm 2013, số thu dự kiến toàn tỉnh hơn 59 tỷ đồng, tương ứng gần 700.000 xe mô tô (theo số liệu xe của Công an tỉnh). Thế nhưng thực tế, số thu được chỉ gần 9,8 tỷ đồng, đạt 16,5%. Năm 2014, số tiền phải thu hơn 19,2 tỷ đồng, tương đương 215.327 xe (theo số liệu thống kê xe của các địa phương) nhưng chỉ thu được hơn 4,6 tỷ đồng, đạt 24,16%. Trong khi đó, theo số liệu từ Công an tỉnh (700.883 xe), số tiền phải thu hơn 60 tỷ đồng. Các địa phương có mức thu tương đối là Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Vạn Ninh, Diên Khánh. Địa phương có tỷ lệ thu thấp là Ninh Hòa (16,18%), Nha Trang (20,48%), Cam Ranh (21,56%), Cam Lâm (26,66%). Hiện nay, các địa phương đang tiến hành thu phí năm 2015 nhưng kết quả cũng không khả quan.
Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, kiêm Chủ tịch Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương cho biết, năm nay, việc thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi qua 2 năm, các địa phương triển khai thực hiện không đồng bộ, địa phương này thu nhưng địa phương khác không thu, dẫn đến sự so bì của người dân. Ngoài ra, còn có sự so bì giữa mức thu của phường và xã giáp ranh.
Hiện nay, biện pháp chế tài được áp dụng theo Nghị định 109/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, lệ phí, hóa đơn. Tuy nhiên, việc triển khai đối với các xã, phường, thị trấn lại gặp khó khăn do người dân chưa đóng phí còn nhiều, UBND cấp xã không thể ra quyết định xử phạt hết tất cả. Ngoài ra, cũng không có chế tài cưỡng chế nếu người dân tiếp tục không chấp hành xử phạt… Một số địa phương, người dân không đồng tình với việc thu phí sử dụng đường bộ vì đã đóng góp kinh phí vào xây dựng đường giao thông nông thôn…
Tập trung tháo gỡ
Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chỉ thu được gần 92 triệu đồng phí sử dụng đường bộ xe mô tô. Trong đó, Vạn Ninh gần 44 triệu đồng, Cam Lâm gần 23 triệu đồng, Cam Ranh hơn 13 triệu đồng, Khánh Sơn hơn 9 triệu đồng, Ninh Hòa gần 2 triệu đồng. Riêng Diên Khánh và Khánh Vĩnh chưa thu được; TP. Nha Trang chỉ thu được hơn 478.000 đồng. |
Theo ông Nguyễn Công Định, để việc thu phí trong năm 2015 đạt kết quả cao, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị tỉnh, các ngành liên quan sửa đổi một số nội dung. Theo đó, đề nghị tỉnh đồng ý đưa chế tài xử lý người không nộp phí sử dụng đường bộ xe mô tô vào nội dung trong xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông để tăng tính hiệu lực của quy định pháp luật và tính tự giác của người dân. Sau khi được UBND tỉnh đồng ý, Hội đồng quản lý Quỹ sẽ dự thảo kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương xem xét về vấn đề này. Ngành Tài chính, Cục Thuế tỉnh sớm có hướng dẫn mẫu biên bản và mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính để các đơn vị cấp xã thực hiện. Ngoài ra, Sở Tài chính cần tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị quyết 01/2013 của HĐND tỉnh về thu phí đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đề nghị sớm in hóa đơn thu phí theo quy định tại Thông tư 133 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện; thống nhất một mức thu trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các xã, phường, thị trấn cần huy động cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện thu phí, có hình thức giám sát, xử lý đối với những đảng viên, cán bộ, công chức không đóng phí để người dân noi theo… Các huyện, thị xã, thành phố có hình thức xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với cấp xã chưa triển khai thu hoặc thu với tỷ lệ thấp; đưa vào chỉ tiêu xét thi đua, khen thưởng các địa phương; ưu tiên đầu tư cho những địa phương thực hiện tốt công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô…
K.H