Thời gian qua, giá xăng dầu giảm sâu kéo theo nhiều mặt hàng khác giảm giá, trong đó có giá cước vận tải. Tuy nhiên, mức giảm giá cước vận tải hiện vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá xăng dầu.
Thời gian qua, giá xăng dầu giảm sâu kéo theo nhiều mặt hàng khác giảm giá, trong đó có giá cước vận tải. Tuy nhiên, mức giảm giá cước vận tải hiện vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá xăng dầu.
Các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định và taxi đều đã giảm cước vận tải. |
Đồng loạt giảm giá cước
Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải (DNVT) phải kê khai giảm giá cước trước ngày 15-1. Đến nay, đa số các DNVT đều đã thực hiện việc kê khai giảm giá cước, nhất là xe taxi và xe tuyến cố định.
Đối với xe taxi, mức giảm ít nhất 5%, nhiều nhất là 18%. Ông Dương Xuân Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho biết, từ ngày 15-11-2014, Mai Linh bắt đầu thực hiện việc giảm giá cước taxi tại Khánh Hòa, mức giảm bình quân khoảng 8,7%. So với các hãng taxi khác trên địa bàn tỉnh ở thời điểm đó, Mai Linh có mức giảm nhiều nhất. Vì vậy, đến ngày 13-1, Mai Linh chỉ điều chỉnh giảm giá cước loại xe Toyota Innova (loại 7 chỗ) xuống thêm từ 1,9 đến 2,2%. Như vậy, hiện nay, mức giá cước các dòng xe của Mai Linh tính từ km tiếp theo đến km30 thấp nhất là 13.000 đồng/km, cao nhất là 16.500 đồng/km. “Chúng tôi đã rất cân nhắc khi đưa ra mức giảm giá cước, vì giảm giá xăng dầu nhưng chi phí lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đóng cho người lao động... đều tăng”, ông Minh nói.
Tương tự, từ ngày 12-1, Công ty Cổ phần Á Châu (Taxi Asia) tiếp tục điều chỉnh giảm giá cước, mức giảm thấp nhất 4%, cao nhất 11%. Ông Hồ Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, tính từ khi xăng dầu giảm giá cước, sau 2 lần điều chỉnh giảm giá, Taxi Asia giảm bình quân khoảng 15%. Hiện nay, mức giá cước các dòng xe của Taxi Asia (tính từ km tiếp theo đến km30) thấp nhất là 13.700 đồng/km, cao nhất là 16.000 đồng/km.
Đối với xe tuyến cố định, hiện các DN đã giảm giá cước với mức giảm bình quân từ 8 - 10%. Cụ thể tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, xe Liên Hưng 230.000 đồng giảm xuống còn 200.000 đồng/vé; Quang Hạnh từ 220.000 đồng giảm xuống còn 200.000 đồng/vé; Cúc Tùng giảm từ 210.000 đồng giảm còn 180.000 đồng/vé...
Mức giảm có phù hợp?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, đối với DNVT taxi tùy từng loại xe, hiệu xe, địa bàn hoạt động (Nha Trang, Ninh Hòa...), giá mở cửa, giá km tiếp theo... có các mức giảm khác nhau. Nhìn chung, các DN có mức giảm phổ biến nhất hiện nay từ 3 đến 10%. Cá biệt, có đơn vị tỷ lệ giảm từ 18 đến 20%. Cụ thể như, giá mở cửa loại xe 4 chỗ của Hợp tác xã Taxi Nha Trang giảm 20%; xe 5 chỗ của Taxi Vinasun giảm 18,1%; xe 7 chỗ của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Quốc Tế giảm 15,4% (giá từ km thứ 31 trở lên). Như vậy, với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại, mức giảm giá cước vận tải taxi có thể chấp nhận được.
Qua theo dõi bảng kê khai giá cước của các hãng taxi gửi sở, ngành liên quan, hầu hết đều thể hiện khá rõ mức giảm giá cước. Tuy nhiên, khi xem cụ thể mức giảm từng loại hình, chặng đường, sự điều chỉnh giảm giá có phần chưa phù hợp. Lâu nay, việc tính cước taxi thường được chia làm 3 mức như: giá mở cửa; từ km tiếp theo đến km30 và từ km31 trở lên. Theo mức tính đó, người dân thường sử dụng nhiều nhất là từ km tiếp theo đến km30. Thế nhưng, đa số các hãng đều điều chỉnh giảm sâu giá mở cửa và từ km31 trở lên, còn từ km tiếp theo đến km30 thì mức giảm thấp. Cụ thể, Taxi Vinasun: Theo bảng kê khai giá ngày 6-1, giá mở cửa và từ km31 trở lên giảm từ 9,1 đến 18,1%, nhưng giá từ km tiếp theo đến km30 thì mức giảm chỉ từ 2,9% đến 3,12%. Taxi Trầm Hương: theo bảng kê khai giá ngày 15-1, giá mở cửa và từ km31 trở lên giảm từ 5 đến 7,1%, nhưng giá từ km tiếp theo đến km30 chỉ giảm từ 3,3 đến 3,6%...
Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 DNVT nằm trong danh mục phải kê khai giảm giá cước gồm: Xe tuyến cố định, xe buýt, hàng hóa và taxi. Đến thời điểm này có khoảng 50 DN đã kê khai giảm giá cước. Riêng xe buýt, các DNVT đã có văn bản gửi Sở đợt này không giảm giá cước vì từ năm 2012 đến nay các DN không tăng giá. Bên cạnh đó, có một số DNVT đã giải thể hoặc ngừng hoạt động, hiện Sở đang tiến hành rà soát lại. |
Ngoài ra, quá trình điều chỉnh giá cước của các hãng còn khá chậm. Lý do được các DN đưa ra là giá xăng dầu tăng giảm không ổn định, vì vậy phải thận trọng khi thay đổi giá cước. Bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước, DN tốn rất nhiều chi phí... Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, khi giá xăng dầu vừa rục rịch tăng thì các DN đều đồng loạt xin tăng giá cước vận tải mà không thấy DN nào đề cập đến chuyện tốn kém chi phí khi điều chỉnh giá cước. Trong khi đó, chế tài bắt buộc DN phải giảm giá cước khi xăng dầu giảm giá vẫn chưa có. Vì thế, DN tranh thủ chậm giảm giá để thu lợi, còn người dân thì chịu thiệt...
Theo ông Nguyễn Văn Dần, đối với xe khách, nhiên liệu chiếm 40% chi phí giá thành, mức giảm khoảng 12% là phù hợp. Như vậy, hiện nay hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh có mức giảm từ 8 đến 13% là tương đối phù hợp. “Việc một số DN giảm giá thành không hợp lý và chậm giảm giá để tranh thủ kiếm lời là có. Thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ GTVT sẽ kiểm tra một số DN vận tải trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (do Sở Tài chính chủ trì) tiến hành kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước và việc giảm giá cước của DN khi giá nhiên liệu giảm... Đối với DN taxi, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ xem xét kỹ hơn về mức giảm giá giữa các chặng, yêu cầu DN điều chỉnh giảm giá cước phù hợp hơn nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN và người tiêu dùng.
KHÁNH HÀ