Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V đã thông qua Nghị quyết về mức thu, quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V đã thông qua Nghị quyết về mức thu, quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải sinh hoạt. Đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm. Ông Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính cho biết:
- Trước đây, việc thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt được thực hiện theo Nghị định 67/2003 của Chính phủ về phí BVMT. Để thực hiện Nghị định này, năm 2003, HĐND tỉnh khóa III đã ban hành Nghị quyết số 08. Qua 11 năm thực hiện, mức thu phí này không còn phù hợp với tình hình thực tế. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25 về phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, thay thế Nghị định 67 trước đây. Để phù hợp với những quy định mới và điều chỉnh mức phí phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cần phải ban hành Nghị quyết quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
- Xin ông cho biết, đối tượng phải nộp phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt?
- Đối tượng phải chịu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là nước thải ra ngoài môi trường của hộ gia đình; cơ quan Nhà nước; đơn vị vũ trang; trụ sở điều hành, chi nhánh,
văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến; các cơ sở rửa, sửa chữa ô tô, xe gắn máy; bệnh viện, phòng khám, chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở kinh doanh, dịch vụ; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nước thải không phải là nước thải công nghiệp. Phải nói rõ thêm, bên cạnh nước thải sinh hoạt từ nguồn nước do các đơn vị cung cấp nước sạch cung cấp thì nước thải sinh hoạt từ nguồn nước các cá nhân, tổ chức tự khai thác cũng phải chịu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt. Trong khi đó, nước thải sinh hoạt của hộ gia đình thuộc địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá nước sinh hoạt; ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; hoặc thuộc các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, các xã không thuộc đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II, III, IV, V theo quy định và hộ nghèo sẽ không phải chịu loại phí này. Ngoài ra, các đối tượng nộp phí thoát nước đô thị và phí vệ sinh tại TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh sẽ không phải nộp thêm phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt quy định tại Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này.
- Ông có thể cho biết, mức phí được quy định cụ thể như thế nào?
- Theo Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua, mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được quy định cụ thể như sau: Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ nguồn nước do đơn vị cung cấp nước sạch cung cấp, mức thu phí tại địa bàn TP. Nha Trang là 8% trên giá bán của 1m3 nước sạch; các địa phương còn lại là 6% trên giá bán của 1m3 nước sạch. Đối với nước thải sinh hoạt từ nguồn nước mà người dân tự khai thác, mức thu tại địa bàn TP. Nha Trang là 500 đồng/m3; các địa phương khác trong tỉnh là 400 đồng/m3.
- Việc quản lý, sử dụng phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Hàng tháng, đơn vị cung cấp nước sạch tổ chức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt đồng thời với việc thu tiền sử dụng nước sạch. UBND cấp xã xác định định mức sử dụng nước của từng đối tượng sử dụng nước tự khai thác và thu phí BVMT đối với đối tượng này.
Tổng số tiền phí thu được sẽ trích lại 7,5% cho đơn vị cung cấp nước sạch; trích lại 15% cho UBND cấp xã để trang trải chi phí cho việc tổ chức thu phí. Đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp toàn bộ phần còn lại vào ngân sách Nhà nước để sử dụng cho công tác BVMT, bổ sung vốn cho Quỹ BVMT của địa phương để phục vụ vào việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra.
- Xin cảm ơn ông!
BÍCH LA (Thực hiện)