05:12, 11/12/2014

Hoạt động của các trường trung cấp nghề cần đáp ứng yêu cầu thực tế

Tuy các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh được đầu tư với số vốn khá lớn, nhưng hoạt động lại hết sức khó khăn do tuyển sinh ít. Dư luận đang đặt vấn đề về hiệu quả đầu tư các trường trung cấp nghề. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngô - Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết:

Tuy các trường trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn tỉnh được đầu tư với số vốn khá lớn, nhưng hoạt động lại hết sức khó khăn do tuyển sinh ít. Dư luận đang đặt vấn đề về hiệu quả đầu tư các trường TCN. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngô - Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết:


Tuy các trường trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn tỉnh được đầu tư với số vốn khá lớn, nhưng hoạt động lại hết sức khó khăn do tuyển sinh ít. Dư luận đang đặt vấn đề về hiệu quả đầu tư các trường TCN. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngô - Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cho biết:


Qua hoạt động giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách tại các trường TCN trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, hầu hết các trường TCN đều được đầu tư với số vốn khá lớn, cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng tốt các điều kiện cho việc dạy và học. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tuyển sinh của các trường TCN hết sức khó khăn, chưa tương xứng với quy mô đầu tư; tổng số học sinh (HS) giảm dần qua từng năm. Trong số 5 trường TCN trên địa bàn tỉnh hiện nay, chỉ có Trường TCN Ninh Hòa là hoạt động khá tốt, tuyển sinh gần đạt chỉ tiêu được giao, đạt 62,2% quy mô đầu tư. Trong khi đó, Trường TCN Cam Lâm được đầu tư hơn 55 tỷ đồng, nhưng năm 2013 chỉ tuyển sinh được 43 HS, đạt 35,8% chỉ tiêu được giao và đạt 4,3% quy mô đầu tư. Cá biệt có Trường TCN Diên Khánh, năm 2013 không tuyển được HS; trong khi đó, trên địa bàn huyện lại có hơn 200 HS tốt nghiệp THCS chưa vào học ở bất cứ cơ sở đào tạo nào.


- Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến các trường TCN khó tuyển sinh?


- Nguyên nhân lớn nhất khiến các trường TCN khó tuyển sinh là do hoạt động dạy nghề của các trường chưa mang lại hiệu quả như mong muốn của phụ huynh và HS. Hầu hết các trường đều đào tạo nhiều ngành nghề giống nhau, mà không có những ngành nghề mũi nhọn đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Mặt khác, trang thiết bị thực hành của một số ngành nghề còn thiếu, đội ngũ giáo viên một số trường còn thiếu kinh nghiệm thực tế nên khó hướng dẫn cho HS những kỹ năng nghề. Chính vì vậy, nhiều HS sau khi tốt nghiệp chương trình TCN khó tìm được việc làm.


Bên cạnh đó, tâm lý của phụ huynh HS luôn mong muốn con em mình sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học bậc THPT, sau đó vào đại học để khi ra trường có việc làm, có vị trí trong xã hội. Ngoài ra, hiện nay, việc phân luồng HS sau cấp THCS vẫn còn nhiều bất cập khiến cho trường nghề càng khó tuyển sinh hơn. Mặt khác, một số trường TCN còn phản ánh về chế độ hỗ trợ hàng tháng cho HS là người đồng bào dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú là 920.000 đồng/tháng, trong khi theo học các trường TCN chỉ được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng nên chưa khuyến khích được con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề.


- Trước thực trạng khó khăn của các trường nghề, Ban Kinh tế và Ngân sách có kiến nghị gì, thưa ông?


- Để tháo gỡ khó khăn cho các trường dạy nghề trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đề nghị, năm 2015, UBND tỉnh xem xét điều chỉnh mức chi sự nghiệp dạy nghề theo hướng đảm bảo cấp đủ tiền lương cho người lao động đang làm việc tại các trường dạy nghề và cấp định mức theo số HS để các trường hoạt động. Tùy vào điều kiện ngân sách, có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ học phí cho HS học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, các trường nghề cần định hướng lại hoạt động dạy nghề, phải xác định được nghề đào tạo mũi nhọn, phù hợp với thực tế, yêu cầu tuyển dụng, những ngành nghề mà doanh nghiệp tư nhân đào tạo hiệu quả thì Nhà nước không nên đầu tư. Chính sách phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS cũng cần phải được đánh giá lại. Từ đó, quy hoạch lại hệ thống các trường THPT và trường nghề để có hướng đầu tư phù hợp. Để khuyến khích HS đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề, tỉnh cần xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ hàng tháng cho các em sao cho phù hợp...


- Xin cảm ơn ông!


HẢI LĂNG (Thực hiện)