05:12, 10/12/2014

Quyền con người trong Hiến pháp 2013

Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua có rất nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, lần đầu tiên Hiến pháp hiến định quyền con người rất rõ ràng…

Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua có rất nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, lần đầu tiên Hiến pháp hiến định quyền con người rất rõ ràng…


Hiến pháp năm 2013 có hẳn một chương quy định riêng về quyền con người và quyền công dân, đồng thời sử dụng hai thuật ngữ “mọi người” và “công dân” cho 2 quyền riêng biệt này. Trước đây, khi nói về quyền con người, các quy định thường dùng thuật ngữ “công dân” nhưng với sự xuất hiện của 2 thuật ngữ mới thì quyền con người và quyền công dân đã có sự khác nhau. Nếu nhìn ở góc độ đơn giản, cứ điều khoản nào quy định chủ thể là “mọi người” thì có thể hiểu đó là quyền con người, còn nếu quy định về “công dân” thì có thể hiểu đó là quyền công dân.

 

 “Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa” một trong những nội dung mới của Hiến pháp 2013. Ảnh: THÀNH AN
“Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa” một trong những nội dung mới của Hiến pháp 2013.


Về nội dung, Hiến pháp năm 2013 có đến 36 trên tổng số 120 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những nội dung cơ bản về quyền con người đã được kế thừa và làm rõ từ những quy định về quyền công dân từ các bản Hiến pháp trước đây. Mặt khác, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, nhiều quyền con người hoàn toàn mới đã được hiến định trong Hiến pháp 2013 như: “quyền sống”, “quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”, “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”; “quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”; “quyền được sống trong môi trường trong lành”.


Các quyền công dân thường bị đánh đồng với quyền con người trong các bản Hiến pháp trước đây cũng đã được tách bạch. Trong đó, đáng kể nhất là các quyền: bình đẳng trước pháp luật; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; bảo vệ đời tư; tiếp cận thông tin; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; bình đẳng giới; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; được xét xử công bằng, công khai; bảo đảm an sinh xã hội; quyền việc làm...


Nguyên tắc về việc hạn chế các quyền con người cũng được đề cập trong Hiến pháp 2013. Khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là điều khoản rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân được thực hiện trên thực tế, tránh việc các cơ quan có thẩm quyền xâm phạm hoặc tùy tiện hạn chế quyền này.


Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Hiến pháp 2013 đặc biệt coi trọng quyền con người. Đây là điểm rất tiến bộ, phù hợp với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc. Điều đó được thể hiện ngay từ bố cục của Hiến pháp khi quy định quyền con người và quyền công dân ngay ở Chương 2 thay vì Chương 5 như Hiến pháp 1992. Ngoài những nội dung nhân quyền mới cũng như sự tách bạch rõ ràng về quyền con người và quyền công dân, Hiến pháp 2013 cũng đã có những quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm việc thực hiện các quyền đó trên thực tế. Ngoài ra, trong Hiến pháp 2013, sự đảm bảo quyền con người còn được thể hiện rất rõ trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Chẳng hạn như quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; tính độc lập xét xử của Tòa án; bảo đảm tính tranh tụng trong xét xử; quyền bào chữa của bị can, bị cáo...


Tuy nhiên, quy định quyền con người không có nghĩa là mọi người muốn làm gì thì làm. Chẳng hạn như quyền tự do kinh doanh không có nghĩa là muốn kinh doanh gì cũng được mà phải có nghĩa vụ tuân theo những quy định của pháp luật. Do đó, khác với các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp 2013 quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi công dân có nội dung đầy đủ, rõ ràng hơn. Điều 15 của Hiến pháp 2013 khẳng định nguyên tắc “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”; “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Điều này vừa phát huy quyền con người nhưng cũng quy định về khuôn khổ để đảm bảo sự trật tự, ổn định của xã hội.


Lê Minh