07:12, 18/12/2014

Đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện hiến đất làm đường

Thời gian qua, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là địa phương làm tốt công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiến đất làm đường đi vào các khu sản xuất.

Thời gian qua, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là địa phương làm tốt công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiến đất làm đường đi vào các khu sản xuất.

 

Người dân hiến đất để làm đường vào  khu sản xuất Suối Chì.
Người dân hiến đất để làm đường vào khu sản xuất Suối Chì.


Hiện nay, đường vào khu sản xuất Suối Chì thuộc thôn Suối Cốc (xã Sơn Tân) đã được trải bê tông kiên cố nên việc đi lại dễ dàng hơn. Trước đây, tuyến đường này chỉ là một lối mòn đi qua nhiều gộp đá hiểm trở, vì thế việc đi lại, vận chuyển nông sản của hơn 40 hộ dân có đất sản xuất ở khu vực này gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. “Ngày trước, mỗi mùa thu hoạch bắp, mì, chuối, chúng tôi phải gùi về rất cực khổ. Mong ước của chúng tôi là có một con đường để chạy xe máy vào tận rẫy chở nông sản về”, anh Tro Ri - người dân thôn Suối Cốc chia sẻ.


Năm 2012, huyện Cam Lâm đã đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của tuyến đường với chiều dài gần 2km từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh và vốn đối ứng của huyện hơn 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện giai đoạn 2 thì gặp vướng mắc vì phải đi qua rẫy của người dân. “Do kinh phí làm đường hạn hẹp nên để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo xã đã gặp gỡ 5 hộ dân có rẫy nằm trong phạm vi đoạn đường đi qua để vận động họ hiến đất làm đường. Kết quả các hộ đều tình nguyện hiến đất cho xã mà không đòi hỏi đền bù”, ông Cao Minh Sao - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân cho biết. Với các hộ dân, sau khi được lãnh đạo xã thuyết phục, họ đã hiểu lợi ích của việc làm đường đối với chính gia đình mình cũng như xóm làng. “Con đường này là mong ước của người dân chúng tôi, vì thế chúng tôi sẵn sàng hiến đất để làm đường”, ông Bo Bo Khanh, người dân hiến đất bộc bạch. Đó cũng là suy nghĩ chung của 4 hộ còn lại. Theo ước tính, diện tích đất mà 5 hộ đồng bào DTTS hiến để làm đoạn đường này khoảng 3.500m2, tài sản trên đất là hơn 60 gốc đào, nếu thực hiện việc đền bù sẽ mất khoảng 55 triệu đồng.


Không chỉ ở xã Sơn Tân, việc vận động đồng bào DTTS hiến đất làm đường ở huyện Cam Lâm còn diễn ra ở một số địa phương khác. Tiêu biểu là xã Suối Cát với tuyến đường nội bộ vào khu sản xuất thôn Suối Lau 2 có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 1,1km. Trong đó, diện tích đất vận động 25 hộ DTTS hiến là 1.200m2. Xã Cam Phước Tây với việc nâng cấp tuyến đường Ô Lăng 1 và Ô Lăng 2 vào khu sản xuất thôn Văn Sơn dài hơn 700m. Trong đó, 9 hộ DTTS hiến 1.300m2 đất và chặt bỏ cây trồng trên đất... Có thể nói, với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, những kết quả đạt được trong việc vận động đồng bào DTTS hiến đất xây dựng các công trình giao thông nông thôn đã góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.


Theo ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS là hoàn thiện hệ thống giao thông vào các khu sản xuất. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa ở vùng DTTS, vùng miền núi. “Để làm tốt điều đó, huyện Cam Lâm đã kịp thời động viên, khuyến khích, khen thưởng và nhân rộng các gương điển hình đồng bào DTTS có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói chung và trong phong trào hiến đất làm đường nói riêng”, ông Tuân cho biết.


Là một huyện mới thành lập hơn 7 năm, đời sống đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với những cách làm hay, hợp lòng dân, huyện Cam Lâm đang nỗ lực chăm lo, phát triển đời sống của người dân ở vùng miền núi. Các công trình giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... được quan tâm đầu tư xây dựng đã góp phần làm cho diện mạo vùng đồng bào DTTS nhiều khởi sắc.


N.T