08:12, 11/12/2014

Đáp ứng yêu cầu, tiết kiệm ngân sách

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo và huấn luyện phi công, Ban Vật tư, Phòng Kỹ thuật (Trường Sĩ quan Không quân) đã chủ động "đi trước đón đầu" để bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật tư kỹ thuật cho nhiệm vụ sửa chữa, thay thế... nhằm duy trì và nâng cao hệ số của các loại vũ khí trang bị kỹ thuật.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo và huấn luyện phi công, Ban Vật tư, Phòng Kỹ thuật (Trường Sĩ quan Không quân) đã chủ động “đi trước đón đầu” để bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật tư kỹ thuật (VTKT) cho nhiệm vụ sửa chữa, thay thế... nhằm duy trì và nâng cao hệ số của các loại vũ khí trang bị kỹ thuật.

Sửa chữa, phục hồi mũ bay tại Xưởng sửa chữa kỹ thuật Trung đoàn 920.
Sửa chữa, phục hồi mũ bay tại Xưởng sửa chữa kỹ thuật Trung đoàn 920


Trung tá Ngô Văn Khương, Trưởng Ban Vật tư cho biết, do đặc thù của trường là đào tạo và huấn luyện phi công nên trong quá trình khai thác, sử dụng, các trang bị cho phi công phải hoạt động liên tục với cường độ cao, tuổi thọ giảm, dễ phát sinh hỏng hóc. Trong khi đó, số lượng trang bị được cấp hạn chế nên việc tạo nguồn mua sắm VTKT để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ cần đa dạng, từ nhiều hướng, nhiều lĩnh vực để kịp thời thay thế, sửa chữa... giúp công tác bảo đảm bay không bị gián đoạn. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và sự cố gắng của cán bộ, nhân viên trong ban, công tác bảo đảm VTKT luôn sát với thực tế, bảo đảm đúng số lượng.


Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm VTKT cho các nhiệm vụ, Ban Vật tư đã chủ động tham mưu, đề xuất với cơ quan cấp trên triển khai thực hiện việc mua sắm, đặt hàng sản xuất các loại VTKT theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan trong công tác tìm hiểu và khai thác nguồn VTKT, tích cực mở rộng thị trường cung cấp nguồn hàng để nhập ngoại các chủng loại VTKT quý hiếm mà trong nước không thể khai thác, sản xuất được. Ngoài ra, Ban còn tăng cường hợp tác với các trung tâm, viện nghiên cứu, các nhà máy ở trong nước, các cơ sở sản xuất trong và ngoài quân đội để đề xuất hướng hợp tác và đặt hàng sản xuất, sửa chữa nhiều chủng loại VTKT bảo đảm chất lượng, như: săm lốp, ắc quy máy bay, các chi tiết cơ khí... và sửa chữa các loại mảng mạch, khối máy, linh kiện lẻ... đáp ứng kịp thời nhu cầu VTKT cho các đơn vị.


Hàng năm, Ban Vật tư và Xưởng sửa chữa kỹ thuật Trung đoàn 920 chủ động tìm nguồn linh kiện sửa chữa, phục hồi được 20 chiếc mũ bay. Những chiếc mũ bay sau khi sửa chữa, phục hồi được kiểm tra âm lượng, độ bền và các thông số kỹ thuật một cách kỹ lưỡng để phi công bay thử và đã thành công. Mỗi chiếc mũ bay mua mới có giá gần 100 triệu đồng, trong khi đó việc sửa chữa, phục hồi một chiếc mũ bay chỉ mất khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Vật tư còn chủ động tạo nguồn để nội địa hóa áo phao trang bị cho phi công, do đó mỗi chiếc áo phao có giá chỉ khoảng 10 triệu đồng so với 30 triệu đồng để mua một chiếc áo phao nhập ngoại. Hiện tại, những chiếc áo phao này đã được trang bị 100% cho Trung đoàn 920.


Theo Đại tá Đinh Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân, với việc chủ động tạo nguồn vật tư và mua sắm, sửa chữa tại chỗ, ngành Vật tư đã bảo đảm kịp thời các loại vật tư khí tài phục vụ nhiệm vụ huấn luyện bay của trường. Đặc biệt, các loại trang bị bay như: Áo phao, mũ bay cho phi công rất cần thiết, trong khi nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Đơn vị đã chủ động khắc phục bằng cách thu hồi các loại mũ hư hỏng để dồn lắp và sửa chữa thành mũ bay hoàn chỉnh, bảo đảm cho phi công sử dụng an toàn, hiệu quả, không những đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà còn tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước và quân đội.


Thành Nam