10:12, 22/12/2014

Chớ coi thường tai nạn trên biển

Chỉ vì coi nhẹ an toàn lao động, sử dụng trang thiết bị không đảm bảo an toàn khi đánh bắt thủy sản nên có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra, khiến một số ngư dân bỏ nghề, mất tàu cá, thậm chí tử vong…

Chỉ vì coi nhẹ an toàn lao động, sử dụng trang thiết bị không đảm bảo an toàn khi đánh bắt thủy sản nên có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra, khiến một số ngư dân bỏ nghề, mất tàu cá, thậm chí tử vong…

 

Ngư dân bị tai nạn trên biển thường không được sơ cứu kịp thời nên nguy cơ dẫn đến mất khả năng lao động rất lớn.
Ngư dân bị tai nạn trên biển thường không được sơ cứu kịp thời nên nguy cơ dẫn đến mất khả năng lao động rất lớn.


Những trường hợp đau lòng


Ông Lê Trọng Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang buồn bã cho biết, Nghiệp đoàn vừa mới đi thăm gia đình ông Hồ Năm, một đoàn viên mới bị tử vong khi đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa. Điều đáng tiếc là ông Năm từng bị tai biến, nhưng chủ quan nghĩ mình còn khỏe mạnh nên theo tàu đi biển. Vừa đi được vài chuyến ông bị đột quỵ và qua đời ngay trên biển, để lại 3 người con nhỏ.


Một trường hợp khác, trong lúc đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa, ông Nguyễn Đoàn Dũng, ngụ phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang bị trượt chân rớt xuống biển trong đêm tối. Đến nay hơn 9 tháng vẫn chưa tìm thấy thi thể… Hay ngư dân Trần Văn Khải (40 tuổi, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) trong lúc đưa cá vào hầm bảo quản, bị trượt chân rơi xuống hầm chứa làm bàn chân trái bị gãy. Khi đưa về bờ cứu chữa, ông Khải phải cắt bỏ bàn chân do bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, khiến ông phải bỏ nghề.


Ngoài nguyên nhân chủ quan, việc sử dụng máy móc cũ, chất lượng kém, không được trang bị thiết bị cấp cứu cũng khiến tai nạn lao động gia tăng. Trường hợp anh Nguyễn Quang Ánh (28 tuổi, ngụ phường Vĩnh Thọ) thường xuyên đi lặn biển, nhưng vì thiếu phương tiện kỹ thuật dẫn đến bị phù phổi cấp. Vì tàu đánh bắt xa bờ nên không thể cấp cứu kịp.


Hiện nay, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn trên biển một phần do ngư dân đang sử dụng máy cũ để giảm giá thành đóng tàu. Theo ngư dân Mai Thành Phúc (ngụ xã Phước Đồng, từng bị chìm 1 tàu cá vì sóng lớn), 1 tàu cá công suất khoảng 300CV riêng phần vỏ tàu đã mất hơn 1 tỷ đồng; một bộ máy mới khoảng 1,5 tỷ đồng nên vượt quá khả năng của ngư dân. Trong khi sử dụng lại máy cũ, máy cải hoán từ máy ô tô, ngư dân sẽ giảm được 50% chi phí. “Khi chạy tàu chúng tôi luôn phải canh chừng, nhiều lúc thấy luồng cá lớn nhưng cũng không dám đuổi theo bởi sợ hỏng máy. Sợ nhất là khi gặp sóng to, gió lớn hoặc chạy để tránh thiên tai. Chạy chậm cũng chết mà chạy nhanh quá máy hỏng thì cũng chết” - ông Phúc nói.


Lỗ hổng niên hạn tàu cá


Thống kê của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước có 400 vụ tai nạn xảy ra do: cháy nổ, ngư dân bị đứt lìa chân tay, trơn trượt, rơi xuống biển, gãy chân vịt, tàu tự chìm do gỗ mục, chết máy… Còn tại Khánh Hòa, theo Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) tỉnh, trong năm 2014 có khoảng 27 trường hợp tàu bị chìm, hỏng máy trên biển.


Ông Lê Đình Khiêm, Trưởng phòng Quản lý tàu cá - Chi cục KT-BVNLTS tỉnh cho biết, hàng năm, Chi cục đều kiểm tra, đánh giá mức độ chất lượng tàu cá đạt 85% mới cho phép lưu hành. Tuy vậy, hiện nay, chưa có quy định về niên hạn sử dụng tàu cá, do đó nhiều máy cũ, vỏ tàu cũ được ngư dân sử dụng hàng chục năm vẫn còn lưu hành. Điều này tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, Chi cục đã nhiều lần đề nghị cấp trên xem xét vấn đề này để đưa vào quy định nhằm đảm bảo an toàn đánh bắt trên biển.


Theo Thạc sĩ Đào Quốc Trưởng, chuyên viên an toàn vệ sinh lao động thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện rất ít tàu cá của ngư dân được trang bị giày chống trơn trượt, tủ thuốc sơ cứu, kiến thức về y học; đa số chỉ dựa vào kinh nghiệm, không chú trọng đến những thiết bị an toàn như: bộ đàm tầm xa, các loại đèn báo hiệu, cờ hiệu, định vị, hải đồ, phao cứu sinh... Bên cạnh đó, lao động ngư nghiệp hầu hết không có hợp đồng lao động, chế độ phúc lợi xã hội. Do đó khi có bão, gặp tai nạn lao động, nhiều tàu, ngư dân thường xuyên gặp hậu quả nghiêm trọng.


Hàng năm, Chi cục KT-BVNLTS tỉnh đều phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền, tập huấn về an toàn lao động cho hàng trăm chủ tàu. Tuy nhiên, so với số lượng ngư dân ở Khánh Hòa khoảng 30.000 người thì rất khó để làm tốt điều này. Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập 4 nghiệp đoàn nghề cá; dự kiến sẽ thành lập thêm nhiều nghiệp đoàn nữa để tuyên truyền, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân.


ĐOÀN HƯƠNG GIANG