Mùa mưa lũ đang đến gần. Người dân sống hai bên bờ sông Cái Nha Trang (đoạn phía dưới cầu Vĩnh Phương) lại thấp thỏm nỗi lo sông "nuốt" nhà, bởi dòng chảy con sông này ngày càng phức tạp.
Mùa mưa lũ đang đến gần. Người dân sống hai bên bờ sông Cái Nha Trang (đoạn phía dưới cầu Vĩnh Phương) lại thấp thỏm nỗi lo sông “nuốt” nhà, bởi dòng chảy con sông này ngày càng phức tạp.
Sạt lở liên tục
Mấy năm gần đây, cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua, diện tích đất ở, đất sản xuất của các hộ dân sống ở thôn Xuân Phong, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang lại bị sông Cái xâm thực. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng thực tế cho thấy, nhiều điểm bị sông Cái “ăn” sâu vào bờ kéo dài hàng trăm mét, khiến cả ngàn mét vuông đất ở bị sạt lở và cuốn trôi, đe dọa cuộc sống của những hộ dân sống hai bên bờ sông.
Ông Nguyễn Văn Lía (xã Vĩnh Phương) cho biết, mùa mưa lũ năm ngoái, tại khu vực phía bờ Tây, nước ăn sâu vào đất liền uy hiếp một số hộ dân sống ở khu vực này. Trước kia, dù lũ lớn nhưng nhờ có cây cối, nhất là các lũy tre che chắn nên bờ sông gần như không bị sạt lở. Những năm gần đây, do dòng chảy thay đổi, nước lũ đổ về đột ngột nên tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. “Nếu tình trạng này kéo dài, không có giải pháp khắc phục thì chừng vài năm nữa, không chỉ mất đất sản xuất mà các khu dân cư dọc bờ sông cũng không còn”, ông Lía nói.
Một điểm sạt lở ở phía hạ lưu cầu Vĩnh Phương. |
Còn bà Nguyễn Thị Sen ở thôn Xuân Phong cho hay: “Trước đây, tình trạng sạt lở có xảy ra ở một số đoạn bờ sông nhưng không nghiêm trọng. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, cứ sau mùa mưa lũ, sông Cái lại lấn vào đất của người dân ven sông thêm 1-2m, thậm chí có đoạn lên đến gần 4m. Khu vực bị sạt lở nặng nhất là 5 hộ dân ở gần chân cầu Vĩnh Phương, có điểm đã bị sạt lở sâu vào gần 15m, diện tích đất bị mất lên đến cả nghìn mét vuông. Chỉ tính riêng gia đình tôi, 5 năm gần đây đã bị sạt lở mất hơn 200m2 đất”.
Cách gia đình bà Sen không xa về phía hạ lưu sông Cái, gia đình bà Võ Thị Cúc cũng lâm vào cảnh tương tự khi hàng trăm mét vuông đất của gia đình đã trôi xuống sông, phần đất bị lở sâu vào đến hơn 8m. Nhiều bụi tre lớn trước đây gia đình bà trồng để bảo vệ đất ven sông cũng đã bị chìm dưới lòng sông. Chỉ tay về phía những bụi tre đã hỏng chân, bà Cúc nhận định: “Sau mùa mưa năm nay, chắc chắn những bụi tre này sẽ biến mất. Điều khiến gia đình tôi lo lắng là tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài, mỗi năm đất bị sạt lở thêm 1-2m thì không lâu nữa đến căn nhà tôi đang ở cũng bị nguy hại”.
Giải pháp tạm thời
Theo khẳng định của ông Trần Tiên - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương, nguyên nhân gây sạt lở ở đoạn hạ lưu cầu Vĩnh Phương là do con đập ngăn mặn ở phía trên cầu. Kể từ khi con đập này được hình thành, dòng nước ở đây bị thay đổi. Vào mùa mưa, với lưu lượng nước lớn, lại bị con đập ngăn dòng nên khu vực phía dưới cầu Vĩnh Phương luôn có những xoáy nước rất mạnh tác động trực tiếp vào phần bờ sông ở thôn Xuân Phong gây sạt lở. Trong 2-3 năm trở lại đây, tốc độ dòng sông xâm thực vào đất của người dân ngày càng nhanh. “Trước thực trạng như vậy, chúng tôi đã báo cáo lên UBND thành phố để tìm phương án giải quyết. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân. Trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân nơi đây đều kiến nghị tỉnh, thành phố về vấn đề này” - ông Tiên cho hay.
Được biết, nhận được kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, UBND TP. Nha Trang đã phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra. Qua đó nhận thấy, việc sạt lở ở hạ lưu cầu Vĩnh Phương, đoạn qua thôn Xuân Phong là rất nghiêm trọng. Hiện mép nước đã rất gần nhà dân, gây mất an toàn cho khu dân cư và mất dần đất sản xuất. UBND thành phố đánh giá, trong mùa mưa năm 2014, tình hình sạt lở sẽ ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn, do vậy cần sớm có biện pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: “Đoạn sạt lở nêu trên nằm trong Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối lớn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1399 ngày 12-6-2013, phân kỳ đầu tư năm 2016 đến năm 2020. Để sớm giải quyết những kiến nghị của người dân, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai dự án đầu tư kiên cố hóa bờ sông Cái tại khu vực sạt lở”. Trong khi chờ UBND tỉnh giải quyết, mới đây, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo UBND xã Vĩnh Phương cần nhanh chóng tổ chức họp dân, thông báo tình hình sạt lở, xây dựng phương án di dời dân khi có tình huống khẩn cấp xảy ra và có chính sách hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại. Đồng thời, để ngăn chặn việc sạt lở tiếp tục xảy ra trong mùa mưa 2014, UBND thành phố cũng đề nghị xã Vĩnh Phương có biện pháp kè, chống tạm thời bằng cọc tre, cọc gỗ, rọ đá... ở những những điểm xung yếu.
Đình Lâm - Bích La