Sau 2 năm triển khai, công tác dồn điền đổi thửa đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều địa phương triển khai còn chậm, chưa có phương án sản xuất cụ thể…
Sau 2 năm triển khai, công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều địa phương triển khai còn chậm, chưa có phương án sản xuất cụ thể…
Hiệu quả bước đầu
Từ năm 2013 đến nay, việc triển khai công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã mang lại hiệu quả. DĐĐT đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ; đồng ruộng được thiết kế lại, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi... Do đó, người dân có nhiều điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn liền với hình thành tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Diên Khánh, sau khi thực hiện DĐĐT, hơn 56ha với 220 thửa (trước đây là 937 thửa) đã được UBND xã Diên Điền giao cho người dân sản xuất vụ Đông Xuân 2013 - 2014. Tuy nhiên, trong vụ đầu tiên, năng suất của cánh đồng DĐĐT chỉ đạt khoảng 46 tạ/ha. Ông Lương Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến năng suất lúa đạt thấp là do khi san ủi, một số thửa ruộng bị hạ mặt bằng làm xuất hiện tầng sinh phèn; ruộng lúa mới san ủi cải tạo mặt bằng làm tầng đế cày bị phá vỡ nên ruộng không giữ được nước, không giữ được phân bón... Trước những thiệt hại trên, người dân xã Diên Điền đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí dự phòng của dự án DĐĐT”. Trong vụ Hè Thu 2014 vừa qua, ruộng lúa trong cánh đồng DĐĐT phát triển khá tốt, năng suất đạt 62 tạ/ha, đặc biệt có thửa cho năng suất 70 tạ/ha. Đây là tín hiệu vui, đánh dấu sự thành công đầu tiên của công tác DĐĐT ở Diên Điền.
Dồn điền đổi thửa là điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), toàn tỉnh có 8 xã được chỉ đạo thực hiện công tác DĐĐT. Đến nay, 4 xã điểm đã và đang thực hiện là: Diên Điền 56ha; Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm) 28ha; Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) 13,9ha; Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) 13,5ha. Trong đó, công tác DĐĐT ở Diên Điền, Cam Hiệp Nam (trồng mía) đã hoàn thành và đưa vào sản xuất được 1 - 2 vụ; 2 xã còn lại đang thi công và sẽ đưa vào sản xuất vụ Đông Xuân 2014 - 2015. Sau DĐĐT, 1.247 thửa ruộng trước đây của 4 xã sẽ giảm xuống còn 350 thửa. Trong 2 năm triển khai, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ công tác DĐĐT tại 4 xã hơn 18,2 tỷ đồng. Ngoài công tác triển khai DĐĐT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 2 dự án xây dựng cánh đồng lớn ở huyện Cam Lâm (trại sản xuất giống mía cấp 1) và thị xã Ninh Hòa (cánh đồng lớn trồng mía) đang ở bước lập phương án.
Các địa phương cần quan tâm hơn
Tại cuộc họp về tình hình triển khai DĐĐT, xây dựng cánh đồng lớn và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh do đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì mới đây, các địa phương đã báo cáo một số khó khăn. Nhiều địa phương đã tính toán thời điểm triển khai cải tạo đồng ruộng khá chặt chẽ. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi khi thi công đã ảnh hưởng đến tiến độ, thậm chí có nơi phải ngừng sản xuất, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Công tác tuyên truyền, quán triệt tư tưởng DĐĐT cho người dân chưa được lãnh đạo địa phương quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, tâm lý ngại thay đổi, sợ chia lại ruộng của một bộ phận người dân gây khó khăn cho quá trình thực hiện DĐĐT. Nhu cầu kinh phí cho công tác DĐĐT rất lớn (trung bình 200 triệu đồng/ha), trong đó chi phí đầu tư giao thông nội đồng và kênh mương chiếm tỷ lệ cao...
Đồng chí Lê Đức Vinh đề nghị các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác DĐĐT, đặc biệt là những địa phương triển khai chậm như TP. Nha Trang, Cam Ranh. Tùy theo tình hình thực tế của từng cánh đồng để xây dựng phương án thực hiện cho phù hợp. Trong phương án, cần xác định cụ thể về mô hình sản xuất (trồng loại cây gì); quy trình sản xuất; phương án hình thành các tổ liên kết sản xuất; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư về vật tư, giống, phân bón, thu mua sản phẩm... Khi xây dựng xong phương án, các địa phương phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt, cụ thể như: thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ hướng dẫn cho các hộ dân; rà soát, đánh giá lại phương án một cách toàn diện để triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc thẩm định các phương án, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, phổ biến khoa học, kỹ thuật và công nghệ cho nông dân... Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính cân đối và bố trí nguồn vốn thực hiện công tác DĐĐT.
MAI HOÀNG