05:10, 31/10/2014

Niềm vui từ những công trình

Từ các nguồn vốn khác nhau, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã đầu tư nhiều công trình xây dựng cơ bản để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân.

Từ các nguồn vốn khác nhau, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã đầu tư nhiều công trình xây dựng cơ bản để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân.


Sau gần 1 năm, trở lại khu vực cầu tràn thôn Tà Giang 2 (xã Thành Sơn), chúng tôi không khỏi vui mừng khi nơi đây đã hiện hữu một cây cầu kiên cố. Cầu được xây dựng với chiều dài hơn 20m, chiều cao so với mặt nước suối lúc bình thường khoảng 1,2m, tổng kinh phí đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng từ nguồn vốn phân cấp của huyện. Còn nhớ, mùa mưa lũ năm trước, dòng nước lũ cuộn chảy chia cắt việc đi lại, gây khó khăn cho cuộc sống của các hộ dân trong thôn. Các cô giáo của điểm Trường Mầm non Anh Đào không thể ra điểm chính lấy khẩu phần ăn về cho các cháu; còn người dân không kịp đem nông sản đi tiêu thụ.  Ông Lương Dũng - người dân thôn Tà Giang 2 chia sẻ: “Trước kia, cứ mỗi mùa mưa lũ, thôn của chúng tôi lại bị chia cắt. Đã từng có người chết vì lũ cuốn ở đây. Bây giờ đã có cầu, việc đi lại thuận tiện hơn”. Theo ông Vũ Văn Thuy - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, việc đầu tư xây dựng cầu ở thôn Tà Giang 2 đã giảm bớt cho xã mối lo vào mùa mưa lũ. Cầu được xây dựng kiên cố, có thiết kế phù hợp với đặc điểm mực nước mùa lũ thường diễn ra ở đây.


Cũng được xem là một điểm nóng vào mùa mưa lũ trong nhiều năm qua, đoạn sông Tô Hạp chảy qua khu vực thôn Xà Bói (xã Sơn Hiệp) sau mỗi cơn lũ lại chịu cảnh xói lở nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị lũ cuốn. Năm nay, nơi đây đã được đầu tư làm bờ kè bằng rọ đá để hạn chế tác động của nước lũ.

 

Cầu vượt lũ ở thôn Tà Giang 2.
Cầu vượt lũ ở thôn Tà Giang 2.


Từ nhiều năm nay, tuyến đường vào khu sản xuất thôn Liên Bình (xã Sơn Bình) bị hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân. Từ nguồn vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã đầu tư hơn 7,4 tỷ đồng để xây dựng đường. Đến thời điểm này, công trình vẫn đang trong giai đoạn thi công với khối lượng đạt hơn 75%. Trong khi đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của người dân ở xã Ba Cụm Nam, công trình đường bê tông từ thôn Suối Me đi đập Đầu Bò cũng được huyện đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã có hơn 80% khối lượng công trình được thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Nhằm phục vụ nhu cầu nước tưới cho các diện tích đất canh tác ở xã Ba Cụm Nam, công trình đập và kênh mương Đầu Bò cũng được đầu tư xây dựng. Với kinh phí đầu tư hơn 6,9 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, công trình này đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương sử dụng. “Trong năm nay, xã đã được đầu tư xây dựng một số công trình cần thiết đối với đời sống, sản xuất của người dân. Xã sẽ cố gắng khai thác, sử dụng các công trình này một cách hiệu quả nhất”, ông Cao Minh Vỹ - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Nam cho biết.


Theo ông Trần Hữu Tuấn - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Khánh Sơn, năm 2014, trên địa bàn huyện có nhiều công trình xây dựng cơ bản được thực hiện, trong đó có một số đã hoàn thành và bàn giao sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình đang chờ được tiếp tục đầu tư. Với đặc điểm của huyện miền núi, sau mỗi mùa mưa lũ lại có thêm nhiều công trình bị thiệt hại, vì thế việc bố trí kinh phí để khắc phục lại gặp khó khăn. Một thực tế khác là do nguồn vốn ít nên tiến độ thi công bị ảnh hưởng. “Trong khả năng có thể, huyện đã cố gắng vận dụng kinh phí từ các nguồn khác nhau để xây dựng, sửa chữa kịp thời các công trình. Trong quá trình triển khai, chúng tôi đặc biệt quan tâm việc thực hiện các công trình một cách kiên cố, bền vững để hạn chế tối đa những tác động của điều kiện tự nhiên”, ông Tuấn cho biết.


Có thể nói, việc có thêm nhiều công trình xây dựng cơ bản được xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân huyện Khánh Sơn.


Nhân Tâm