Những năm qua, xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) luôn quan tâm phát triển các mô hình sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Những năm qua, xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) luôn quan tâm phát triển các mô hình sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xuân Sơn là địa phương có nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở huyện Vạn Ninh. Nguyên nhân là do ở đây địa hình đồi núi nhiều, chất đất và khí hậu không thuận lợi. Trước thực trạng đó, xã Xuân Sơn đã mạnh dạn tìm hướng đi trong phát triển kinh tế vườn đồi. Từ đó, phong trào trồng cây ăn quả ở Xuân Sơn được đẩy mạnh, nhiều diện tích trồng bưởi, mít, dừa phát triển tốt.
Cách đây 2 năm, khu đất rẫy rộng 6ha của gia đình ông Phan Văn Cang (50 tuổi, thôn Xuân Trang) chủ yếu trồng cây keo và cây chuối. Sau khi được xã khuyến khích chuyển đổi cây trồng, ông đã mạnh dạn trồng bưởi, mít. Bên cạnh đó, ông vẫn giữ lại cây chuối, trồng thêm đu đủ để lấy ngắn nuôi dài. Ông Cang cho biết: “Gia đình tôi trồng được hơn 300 cây mít, 700 cây đào, 100 cây bưởi. Hiện nay, các loại cây này đều phát triển tốt, chỉ 1 đến 2 năm nữa là cho thu hoạch”. Đến nay, xã Xuân Sơn có hơn 100ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu là mít, dừa, bưởi… Việc phát triển cây ăn quả tại vùng đất đồi Xuân Sơn là hướng đi đúng. Trong thời gian tới, xã sẽ khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hội Nông dân xã cũng thành lập tổ liên kết trồng cây ăn quả để người dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, người dân cũng mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi sản xuất. Tính từ đầu năm đến nay, các hộ dân trong xã đã vay hơn 15 tỷ đồng. Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, xã giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Nhờ đó, đồng vốn vay của người dân luôn được đầu tư đúng chỗ, phát huy hiệu quả hơn 70%.
Dạy nghề mộc cho người dân xã Xuân Sơn. |
Trồng rừng cũng là thế mạnh của xã Xuân Sơn. Phát huy thế mạnh này, nhằm phủ xanh diện tích đất trống đồi núi trọc, chính quyền xã đã vận động nhân dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: keo lai, xoan đào… Nhờ đó, đến nay toàn xã đã phủ trống hơn 200ha đất rừng, trong đó có nhiều diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng khá cao. Để phát triển đàn gia súc, gia cầm, chính quyền thường xuyên tổ chức các đợt tiêm phòng dịch bệnh, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao kiến thức phòng, tránh một số loại dịch bệnh có nguy cơ xuất hiện ở đàn gia súc, gia cầm cho người dân.
Xác định việc giải quyết việc làm cho người dân sẽ góp phần nâng cao thu nhập, xã Xuân Sơn đã liên kết với Trường Trung cấp nghề Vạn Ninh tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân trong xã. Mỗi năm, xã mở 4 đến 6 lớp dạy nghề cho hơn 200 lao động các nghề như: hàn, mộc, trồng cây ăn quả… Bên cạnh đó, xã còn vận động 3 doanh nghiệp khai thác đá granite trên địa bàn ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho 200 đến 300 lao động, thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Không những thế, các doanh nghiệp còn tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí cho người lao động trước khi vào làm việc.
Công tác hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn cũng được chính quyền địa phương chú trọng. Hàng năm, các hộ nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chính quyền xã đứng ra vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ tiền và vật chất để xây nhà ở cho hộ nghèo. Những học sinh, sinh viên đang đi học cũng được xã tạo điều kiện thuận lợi. Hiện cả xã có hơn 80 em đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Ý - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: “Để thực hiện bền vững nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chúng tôi luôn xem việc phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là điều quan trọng nhất. Bởi khi đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên và ổn định thì đó sẽ là tiền đề để xã hoàn thành các tiêu chí còn lại. Với cách làm đó, những năm qua, mức sống của người dân trong xã không ngừng được nâng lên. GDP bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động địa phương có việc làm ổn định đạt 99%… Tuy không phải là xã điểm nông thôn mới nhưng chúng tôi cũng đã đạt 9/19 tiêu chí và phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ đạt 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
PHÚ VINH