10:08, 26/08/2014

Tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thực hiện công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống dịch cúm gia cầm  H5N6, Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng ngừa virus cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác.

Thực hiện công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về phòng, chống dịch cúm gia cầm (GC) H5N6, Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng ngừa virus cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm GC khác.


Chủ động giám sát dịch bệnh


Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), qua công tác giám sát chủ động, Cục đã phát hiện một số trường hợp dương tính với virus cúm A/H5N6 trên đàn GC tại tỉnh Lạng Sơn và Hà Tĩnh. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã gửi công điện khẩn yêu cầu các ban, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống nhằm chủ động ngăn chặn virus cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm GC khác, hạn chế thấp nhất cúm GC lây nhiễm, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi.


Tại Khánh Hòa, ngành Thú y tỉnh cũng đang tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch cúm GC cho các địa phương, trong đó công tác giám sát dịch bệnh được chú trọng. Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Ngay khi nhận công điện của Bộ NN-PTNT, Chi cục Thú y đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng dịch cúm GC và các chủng virus cúm GC lây sang người. Bên cạnh công tác giám sát dịch bệnh trên đàn GC, Chi cục cũng kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc con giống từ các tỉnh khác nhập về và từ Khánh Hòa chuyển đi”.

 

Sau đợt dịch cúm gia cầm đầu năm 2014, nhiều hộ rất chú trọng công tác phòng, chống dịch khi tái đàn.
Sau đợt dịch cúm gia cầm đầu năm 2014, nhiều hộ rất chú trọng công tác phòng, chống dịch khi tái đàn.


Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn GC gần 2,5 triệu con. Trong đó, thị xã Ninh Hòa là địa phương có số lượng đàn GC lớn nhất với hơn 1 triệu con. Hàng tháng, Chi cục thực hiện giám sát lưu hành virus cúm GC tại 4 chợ có buôn bán GC gồm: chợ Vĩnh Hải, chợ Phước Thái (TP. Nha Trang); chợ Thành (huyện Diên Khánh); chợ Dinh (thị xã Ninh Hòa). 7 tháng qua, Chi cục đã lấy 120 mẫu từ các chợ. Kết quả, trong tháng 2 có 5 mẫu dương tính với cúm A/H5N1 (thời điểm Khánh Hòa xảy ra dịch cúm GC). Những tháng gần đây, các mẫu thử đều không phát hiện virus cúm GC.


Bên cạnh đó, Chi cục còn phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát, vệ sinh tiêu độc để bảo vệ đàn chim yến. Chi cục luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại và sự nguy hiểm của virus cúm GC; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy GC mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán GC và sản phẩm GC không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.


Phòng, chống dịch trong mùa mưa


Theo lãnh đạo Chi cục Thú y, do đang bước vào mùa mưa nên virus cúm GC có nhiều điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát tán. Vì vậy, để công tác phòng dịch đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí mua 700.000 liều vắc-xin, hơn 6.000 lít hóa chất phục vụ cho công tác tiêm phòng và tiêu độc khử trùng. Sau đợt dịch cúm GC vào đầu năm 2014, đến nay, nhiều hộ dân bắt đầu tái đàn. Do đó, ngành Thú y đã đề nghị các địa phương theo dõi sát số lượng đàn GC, hướng dẫn các hộ nuôi vệ sinh chuồng trại thật kỹ trước khi tái đàn, thực hiện tiêm phòng các chủng loại cúm theo quy định.


Ông Phạm Hữu Hải - hộ dân chăn nuôi gà (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Gia đình tôi chăn nuôi gà đã nhiều năm và từng bị thiệt hại do dịch cúm GC. Vì vậy, khi tái đàn, tôi rất chú trọng công tác phòng dịch như: mua thuốc cho uống theo định kỳ, theo tháng tuổi; phun thuốc khử trùng... Ngoài ra, cán bộ thú y tại địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn gia đình tôi phòng, chống dịch bệnh”.


Điều đáng quan tâm trong công tác phòng, chống dịch cúm GC là quản lý đàn vịt chạy đồng. “Hiện nay, các địa phương chuẩn bị thu hoạch lúa vụ Hè Thu, đây cũng là thời điểm người dân đưa vịt chạy đồng. Công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vịt chạy đồng rất khó khăn. Do đó, Chi cục đã chỉ đạo cho cán bộ thú y cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương thống kê số lượng hộ chuẩn bị đưa vịt chạy đồng, khi đưa đàn vịt về phải báo cáo để địa phương theo dõi”, ông Lê Thắng nói. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về dịch bệnh cần đảm bảo đúng, đủ và kịp thời nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh từ người chăn nuôi, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.


MAI HOÀNG