11:08, 10/08/2014

Nỗ lực tạo việc làm mới

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Nhờ đó, đã góp phần tạo việc làm mới cho hơn 26.000 lao động/năm.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Nhờ đó, đã góp phần tạo việc làm mới cho hơn 26.000 lao động/năm.


Lợi ích của chương trình


Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai đồng bộ chính sách cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Qua đó, tạo điều kiện cho hàng ngàn cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mua sắm trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Các hộ gia đình, người lao động (NLĐ) nông thôn cũng có thêm cơ hội xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư khôi phục các ngành nghề truyền thống… Từ năm 2011 đến nay, đã có hơn 2.900 dự án được vay hơn 55 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm. Trong đó, có hơn 100 cơ sở sản xuất kinh doanh và 2.800 hộ gia đình vay vốn. Nguồn vốn này đã góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 69 dự án vay vốn với số tiền 1,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm hàng chục lao động…


Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Qua đó, Trung tâm đã thành lập sàn giao dịch việc làm điện tử và mở rộng việc tư vấn, giới thiệu sâu sát cho NLĐ. Bình quân mỗi tháng, Trung tâm mở 2 phiên giao dịch việc làm, thu hút 12 doanh nghiệp và 250 lượt NLĐ tham gia (có khoảng 150 lao động đăng ký tìm việc và 44 người trúng tuyển). Mặt khác, Trung tâm còn dự báo và cập nhật thông tin tuyển dụng của thị trường lao động trong và ngoài nước để NLĐ nắm bắt.

 

Người lao động đăng ký tuyển dụng trực tiếp với doanh nghiệp tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức.
Người lao động đăng ký tuyển dụng trực tiếp với doanh nghiệp tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức.


Chính sách đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Các cơ quan chức năng đã chú trọng lựa chọn những thị trường có uy tín như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức, Nga… để giới thiệu đến NLĐ. Để đảm bảo cho NLĐ có môi trường làm việc an toàn, ngành chức năng đã phối hợp với những đơn vị xuất khẩu lao động được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 400 người đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với thời hạn 3 đến 5 năm. Sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về, số lao động này được tư vấn, giới thiệu việc làm theo đúng trình độ và ngành nghề của họ. Đối với những lao động có mong muốn tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện để họ được xuất ngoại…


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: “Cùng với các chính sách giải quyết việc làm, nhiệm vụ đào tạo nghề cho NLĐ cũng được chú trọng nhằm nâng cao tay nghề, kỹ thuật và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 10.000 NLĐ nông thôn được dạy nghề với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng. Những ngành nghề được đào tạo như: may công nghiệp, mộc, hàn... Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt hơn 75%, mức thu nhập trung bình từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng”.  


Chính sách đào tạo nghề đã giúp cho người học tiếp cận được kiến thức chuyên môn, biết cách làm nghề, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, có cơ hội vào làm việc tại các doanh nghiệp. Sau học nghề, đã có không ít NLĐ nông thôn trở thành chủ cơ sở sản xuất kinh doanh…


Cần tiếp tục điều chỉnh


Những lợi ích thiết thực mà Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề đem lại đã rõ. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế cần được các ban, ngành, địa phương điều chỉnh cho hợp lý. Đó là, NLĐ được tạo việc làm mới chưa thực sự phù hợp với tiềm năng kinh tế của tỉnh, chưa mang tính bền vững. Số lao động được giải quyết việc làm hàng năm chưa rõ ràng và cụ thể. Mặt khác, số lao động được tạo việc làm mới chỉ dừng lại ở việc duy trì chỗ làm, ổn định cuộc sống. Tỉnh chưa tạo được bước đột phá trong việc thực hiện chính sách việc làm, đầu tư mở rộng, phát triển các dự án, khu kinh tế như đã quy hoạch để thu hút thêm nhiều lao động, giải quyết việc làm cho NLĐ địa phương.


Bên cạnh đó, Dự án Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thị trường đi làm việc là Malaysia) chỉ tập trung hỗ trợ NLĐ thuộc các hộ chính sách, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo. Trong khi đó, hầu hết NLĐ thuộc các diện ưu tiên nói trên không mặn mà tham gia, vì bản thân họ đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Mặt khác, hiện nay, thị trường lao động tại Malaysia có nhiều rủi ro, mức thu nhập tích lũy của NLĐ tại thị trường này thấp (từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng) nên NLĐ không mặn mà tham gia…


Đối với chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Nhà nước cần phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa với địa chỉ việc làm; nghiên cứu đào tạo những nghề phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tăng nguồn vốn vay ưu đãi để NLĐ sau học nghề có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, phát huy kiến thức đã học. Ông Mai Xuân Trí nói: “Hiện nay, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân rất lớn. Tuy nhiên, nguồn quỹ từ gói vốn giải quyết việc làm lại rất hạn chế do Trung ương không bổ sung thêm nguồn vốn cho Khánh Hòa. Trong khi đó, tỉnh vẫn chưa thành lập Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, UBND tỉnh cần sớm thành lập nguồn quỹ này…”.


Việc thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Để lợi ích đó phát huy hơn nữa, các ngành chức năng cần nỗ lực trong triển khai và có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp.


PHÚ VINH