UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2014 - 2020 thực hiện Quyết định 1570 ngày 6-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên Môi trường cho biết:
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2014 - 2020 thực hiện Quyết định 1570 ngày 6-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) cho biết:
- Là tỉnh có thế mạnh về biển, đảo, đường bờ biển dài hơn 200km, nhiều vũng, vịnh đặc biệt xếp vào loại nhất nhì thế giới, có huyện đảo Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc nên biển và đảo Khánh Hòa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh của tỉnh cũng như của cả nước. TN-MT biển không chỉ gắn liền với chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng trên biển mà còn là nền tảng vững chắc, là động lực phát triển KT-XH của tỉnh. Mặt khác, phát triển kinh tế biển hiện nay cần có sự đổi mới trong tư duy, nhận thức, quản lý, khai thác từ thụ động sang chủ động, nâng cao hiểu biết về tiềm năng, lợi thế, cũng như mặt bất lợi từ biển; chú trọng điều tra cơ bản TN-MT biển, đặc biệt đối với vùng biển ven bờ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành theo phương thức quản lý tổng hợp trên cơ sở phân vùng sử dụng TN-MT biển và thực hiện cơ chế giám sát tổng hợp để khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững TN-MT biển. Bên cạnh đó, cần chú ý phát triển sinh kế cho người dân ven biển, gắn khai thác, sử dụng với bảo vệ TN-MT biển; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái, chuyển đổi cơ cấu phát triển KT-XH cho cộng đồng dân cư ven biển…
- Nội dung, nhiệm vụ, các biện pháp và nguồn kinh phí thực hiện Chương trình như thế nào, thưa bà?
- Chương trình có 5 nội dung cơ bản, gồm: Nghiên cứu, điều tra, thống kê, đánh giá tiềm năng, hiện trạng khai thác, sử dụng TN-MT biển; phát triển năng lực dự báo thời tiết, khí tượng, hải văn, xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại các vùng biển, ven biển và hải đảo; khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững không gian, mặt nước, tài nguyên thiên nhiên, vị thế của biển phục vụ phát triển KT-XH vùng ven biển, các đảo, phát triển kinh tế biển bền vững; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước biển; bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển, tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái biển trước tác động của biến đổi khí hậu.
Để thực hiện 5 nội dung trên, Chương trình đề ra 6 giải pháp gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả TN-MT biển, đảo; vận hành thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất TN-MT biển và hải đảo; đào tạo, huy động, sử dụng nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý tổng hợp; tăng cường và đa dạng vốn cho các hoạt động điều tra, đánh giá, khai thác và sử dụng TN-MT biển, đảo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng TN-MT biển và hải đảo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Dự kiến kinh phí toàn bộ Chương trình là 65 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2014 - 2020; trong đó ngân sách trung ương 52 tỷ, ngân sách địa phương 13 tỷ (từ các nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp kinh tế …).
UBND tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các các sở, ban, ngành, các địa phương ven biển tổ chức triển khai thực hiện; giám sát, đánh giá kết quả trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương; hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- Xin cảm ơn bà!
Phú Lâm (Thực hiện)