10:08, 24/08/2014

Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng mía

Trong bối cảnh giá đường đang tụt dốc do nhiều nguyên nhân, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa cam kết hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng mía bằng các biện pháp đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, hệ thống tưới tiêu…

Trong bối cảnh giá đường đang tụt dốc do nhiều nguyên nhân, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa cam kết hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng mía bằng các biện pháp đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, hệ thống tưới tiêu…


Còn nhiều khó khăn


Vụ mía 2013 - 2014 vừa kết thúc sau 5 tháng hoạt động (từ tháng 12-2013 đến cuối tháng 5-2014). Với tổng diện tích vùng nguyên liệu khoảng 12.500ha, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa thu về hơn 681.000 tấn mía nguyên liệu, vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên do hiện nay giá đường thế giới và trong nước giảm, thời tiết nắng nóng kéo dài nên năng suất mía bị ảnh hưởng đáng kể. Để đảm bảo tính cạnh tranh và thu nhập cho nông dân yên tâm bán mía, công ty đã áp dụng các chính sách mua mía với giá trung bình tại Khánh Hòa là 860.000 đồng/tấn mía 10CCS (chữ đường), tại Đắk Lắk là 845.993 đồng/tấn mía 10CCS (chưa bao gồm phí vận chuyển và bốc xếp). Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa còn áp dụng chính sách bổ sung tiền mía đối với các hợp đồng hoàn thành nghĩa vụ về sản lượng và thanh toán nợ, với mức chi 20.000 đồng/tấn mía nhập; chính sách bảo hiểm giá mua mía, đầu vụ và cuối vụ có chính sách bảo hiểm chữ đường. Bên cạnh đó, công ty còn có các chính sách tặng tiền đối với khách hàng thân thiết bán mía cho công ty từ 4 vụ trở lên…

 

Người trồng mía ở Ninh Hòa rất cần nhà máy đường hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng mía.
Người trồng mía ở Ninh Hòa rất cần nhà máy đường hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng mía.


Ngoài những chính sách ưu đãi, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa còn tăng cường tổ chức thu hoạch và vận chuyển mía nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thu hoạch. Mùa vụ 2013 - 2014, công ty đã hợp đồng với 215 xe tại Khánh Hòa và 135 xe tại Đắk Lắk để vận chuyển mía, với lượng xe vận chuyển ổn định 260 xe/ngày, đáp ứng nhu cầu của nông dân cũng như nhu cầu ép mía của nhà máy.


Nông dân Đinh Tấn Bửu (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) cho biết, những chính sách về bảo hiểm, ưu đãi, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và các chính sách hỗ trợ người trồng mía khá tốt. Tuy nhiên do điều kiện vùng mía Ninh Sơn xa nhà máy, phải vận chuyển qua Quốc lộ 1, xe vận chuyển phải hạ tải trọng nên một số tài xế có thái độ hạch sách đối với người bán mía. Ngoài ra, do vụ thu hoạch kéo dài hơn 5 tháng nên xảy ra tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch, đặc biệt là giai đoạn cuối vụ. Vì vậy giá nhân công thường bị đẩy lên cao, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía. “Chúng tôi mong muốn Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa tiếp tục nâng công suất, ổn định dây chuyền sản xuất, rút ngắn thời gian thu hoạch còn khoảng 120 - 130 ngày. Có như vậy, nông dân mới không bị ép giá nhân công, tài xế hạch sách, sớm tái đầu tư cho vụ sau”, ông Bửu tâm sự.


Cần tăng cường hỗ trợ nông dân


Ông Trần Kim Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, cho biết, dự kiến tổng diện tích vùng nguyên liệu vụ mía 2014 - 2015 là 13.000ha, trong đó ở Khánh Hòa 8.800ha, Đắk Lắk 4.200ha. Dự kiến công ty sẽ ký hợp đồng đầu tư cho 10.800ha, trong đó Khánh Hòa 7.000ha.


Trước tình trạng nhiều ruộng mía bị bệnh trắng lá, mùa vụ tới, công ty tiếp tục thực hiện chương trình khảo nghiệm giống, cơ giới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp canh tác; phối hợp với trung tâm nghiên cứu thực hiện chương trình sản xuất giống sạch bệnh cung cấp cho các hộ trồng mía. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ đầu tư trực tiếp 30 triệu đồng/ha chi phí đầu tư trồng mía tơ và 20 triệu đồng/ha chi phí đầu tư chăm sóc mía gốc; ứng trước tiền mua mía với mức tối đa 20 triệu đồng/ha; đầu tư phân bón, bán vật tư nông nghiệp trả chậm… Bên cạnh đó, công ty sẽ thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng chăm sóc mẫu nhằm ứng dụng cơ giới hóa vào toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch nhằm giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng mía.


Về vấn đề này, ông Tống Trân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để giúp đời sống người trồng mía ổn định hơn. Cụ thể, hiện nay công ty chưa chủ động được nguồn cung cũng như chưa có sự đầu tư thích đáng nên chưa tạo được khối lượng giống mía đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh trắng lá phát sinh, gây hại trong 2 năm gần đây trên vùng nguyên liệu mía Ninh Hòa, làm thiệt hại lớn cho người trồng mía.  Bên cạnh cải thiện về giống, công ty cũng cần tăng cường đầu tư các hạng mục ưu tiên như đường giao thông, hệ thống tưới nhỏ… “Vụ mía 2014 - 2015, diện tích mía trên địa bàn thị xã dự kiến không tăng do diện tích mía đồi không hiệu quả sẽ bị phá bỏ, thời tiết từ đầu năm đến nay không thuận lợi nên khả năng năng suất và sản lượng mía sẽ giảm. Tuy nhiên, để tránh cho cây mía tái sinh vào thời điểm thời tiết bất lợi, dễ gây bệnh trắng lá, ngay từ bây giờ công ty phải tìm các giải pháp thu mua hợp lý đối với những vùng mía sớm bị khô hạn”, ông Trân cho hay.


NHẬT THANH