12:05, 12/05/2014

Vững vàng vươn khơi, bám biển

Những ngày qua, tình hình Biển Đông nóng lên khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc cũng liên tục có hành động gây hấn, xua đuổi tàu cá Việt Nam, song những ngư dân vừa trở về từ Hoàng Sa, Trường Sa khẳng định sẽ kiên quyết bám biển.

Những ngày qua, tình hình Biển Đông nóng lên khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc cũng liên tục có hành động gây hấn, xua đuổi tàu cá Việt Nam, song những ngư dân vừa trở về từ Hoàng Sa, Trường Sa khẳng định sẽ kiên quyết bám biển.


Liên tục bị xua đuổi trái phép


Những ngày gần đây, đến cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), đâu đâu, chúng tôi cũng nghe ngư dân nói về tình hình Biển Đông. Mỗi khi có tàu cá từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở về, nhiều người lại đến hỏi thăm. Mới cập cảng rạng sáng 11-5, anh Trương Phi Dũng (chủ tàu KH96176 TS, trú tại Hòn Rớ, xã Phước Đồng) vẫn còn bức xúc trong chuyến đi biển lần này, bởi tàu của anh liên tục bị tàu Trung Quốc rượt đuổi trái phép. “Khi đang khai thác hải sản tại vùng biển giữa 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tàu chúng tôi nhiều lần giáp mặt với rất đông tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy tàu Trung Quốc xua đuổi, gây hấn, nhưng chúng tôi không sợ; bởi từ bao đời nay, ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận vẫn đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác cá ngừ đại dương, cá nhám... Bắt đầu từ ngày 1-5, tàu Trung Quốc liên tục quần thảo, thậm chí cho tàu lao thẳng vào tàu cá của chúng tôi. Trước đó, họ cũng xua đuổi nhưng không hung hãn như vậy. Hành động này của các tàu Trung Quốc thật phi lý” - anh Dũng nói. Cũng như nhiều ngư dân khác, anh Dũng đã có hơn 20 năm cùng bạn thuyền gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực quanh nhà giàn DK1. Không riêng anh Dũng, nhiều thế hệ ngư dân Hòn Rớ và các làng biển khác trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên đến khai thác hải sản tại những ngư trường này.

 

 Thành quả lao động sau chuyến biển dài ngày đầy khó khăn.
Thành quả lao động sau chuyến biển dài ngày đầy khó khăn.


Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, các tàu Trung Quốc bao gồm cả tàu có vũ trang liên tục xua đuổi, gây hấn các tàu cá trên vùng lãnh hải của Việt Nam đang gây ra nhiều bức xúc cho ngư dân trên địa bàn tỉnh. Ông Cao Văn Tho (tài công tàu KH96877TS) cho biết: “Khi đang đánh bắt ở ngư trường phía Bắc Trường Sa, nghe trên radio, chúng tôi biết được hành động ngang ngược của phía Trung Quốc tại Hoàng Sa, ai cũng bức xúc. Không chỉ chúng tôi, tất cả ngư dân trên các tàu khác đều bất bình về những hành động này. Đây là lãnh hải của Việt Nam, nhưng họ ngang nhiên đưa tàu và giàn khoan vào đây, điều đó không thể chấp nhận được”.


Theo ông Tho, từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả các tàu Việt Nam khi đánh bắt gần các đảo Vành Khăn, Chữ Thập, Gạc Ma (Trung Quốc chiếm đóng trái phép) đều bị tàu có vũ trang của Trung Quốc xua đuổi. Họ sẵn sàng cho tàu đâm thẳng hoặc dùng vòi rồng để tấn công tàu cá của ngư dân. Thực tế, đã có rất nhiều tàu cá của Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi… đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa gặp phải hành động tương tự từ phía Trung Quốc. Không ít tàu cá của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận phải rút ngắn hành trình, cập cảng sớm hơn dự kiến.


Kiên quyết ra khơi


Từ khi giàn khoan HD-981 hạ đặt tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, các tàu của Trung Quốc đã liên tục xua đuổi tàu cá của ngư dân, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tại các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền Việt Nam. Dù vậy, tất cả ngư dân khẳng định, họ sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển. Hiện nay, tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang), có khá nhiều tàu cá của Khánh Hòa và Bình Định đang chuẩn bị nhu yếu phẩm, sửa sang lại ngư lưới cụ, sẵn sàng ra các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Ông Trần Văn Dũng (tàu BĐ96854TS) khẳng định: “Vùng biển của mình thì mình có quyền đánh bắt, không ai có quyền ngăn cản. Chuyện tàu Trung Quốc xua đuổi, gây hấn, chúng tôi đã gặp nhiều rồi. Họ càng gây hấn, mình càng kiên quyết ra khơi để khẳng định chủ quyền. Nếu sợ không đi thì họ sẽ càng lấn tới”. Được biết, 4 ngày nữa, tàu của ông cùng 7 tàu cá khác sẽ tiếp tục ra Hoàng Sa câu cá ngừ đại dương. Chuyến đi này kéo dài 20 - 25 ngày, có thể cập cảng sớm hay muộn tùy thuộc vào sản lượng cá đánh được.

 

Tàu cá của ngư dân Khánh Hòa vừa trở về từ ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.
Tàu cá của ngư dân Khánh Hòa vừa trở về từ ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.

 

Để có thể đánh bắt hải sản ở những điểm nóng mà Trung Quốc đang gây hấn trái phép, các tàu cá của Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi… đã lên kế hoạch đi theo từng tốp từ 7 đến 10 tàu nhằm hỗ trợ cho nhau khi gặp sự cố. Đa số các tàu đều đã chuẩn bị kỹ càng và vạch ra phương án để kịp thời ứng phó nếu bị tàu Trung Quốc xua đuổi hoặc tấn công. Ông Đặng Quang - chủ tàu KH96112TS (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi đã gắn bó máu thịt với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Dù sao đi nữa, chúng tôi vẫn cứ bám các vùng biển này để khai thác hải sản. Chúng tôi rất mong Nhà nước can thiệp để ra khơi đánh bắt được an toàn”.


Theo ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 10.000 tàu cá; trong đó có hơn 500 tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ ở các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và khu vực nhà giàn DK1. Ngoài ra, hàng nghìn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận... cũng đánh bắt cá tại các ngư trường này. “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động hết sức phi lý và ngang ngược. Chúng tôi đã tìm hiểu, vận động ngư dân tiếp tục bám biển. Qua nắm bắt tình hình cho thấy, ngư dân Khánh Hòa rất kiên quyết ra khơi bám biển, bám ngư trường. Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Đẩu nói.


BÍCH LA - ĐÌNH LÂM