Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đa số các bãi chôn lấp chất thải rắn không đảm bảo vệ sinh môi trường. Điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đa số các bãi chôn lấp chất thải rắn không đảm bảo vệ sinh môi trường. Điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bãi chôn lấp thô sơ
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện có 9 bãi rác lớn đang được sử dụng, gồm các bãi rác: Rù Rì rộng 6,7ha (Nha Trang), Dốc Sạn rộng 5ha (Cam Ranh), Dốc Đỏ rộng 2ha (Cam Lâm), Hòn Ngang rộng 1ha (Diên Khánh), Ninh An rộng 5ha (Ninh Hòa), Ninh Thủy rộng 0,5ha (Ninh Hòa), Rốc Ké rộng 2ha (Vạn Ninh), thị trấn Khánh Vĩnh rộng 0,5ha (Khánh Vĩnh) và Sơn Trung rộng 0,5ha (Khánh Sơn).
Tuy nhiên, không có bãi rác nào đạt tiêu chuẩn là bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, vì không có lót chống thấm, thiếu hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác... Thực tế, các bãi rác này là bãi tập trung chất thải của vùng và nhiều bãi đang quá tải. Những đơn vị vận hành phải đốt rác bằng phương pháp thủ công để giảm bớt thể tích. Ngoài ra, các xã xa trung tâm còn có nhiều bãi rác nhỏ đặt tại các xã, do các đội môi trường của xã quản lý.
Hiện nay, việc thu gom chất thải rắn được thực hiện chủ yếu tại vùng đô thị do các công ty môi trường đô thị cấp huyện thực hiện. Ngoài ra, ở một số xã có tổ chức đội môi trường thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt đổ tại các bãi rác của xã hoặc chuyển cho công ty môi trường đô thị, đưa về các bãi rác tập trung. Theo thống kê, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 210.000 tấn rác thải rắn được thải ra môi trường, trong đó TP. Nha Trang khoảng 128.200 tấn.
Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Y tế, mỗi ngày toàn tỉnh còn có khoảng 750kg rác thải y tế được thải ra môi trường, trong đó riêng TP. Nha Trang 500kg. Trước đây, tỉnh có lò xử lý rác thải y tế nhưng lò này đã bị hỏng cách đây 3 năm, nên hiện nay rác y tế được hấp rồi thải ra bãi rác Rù Rì như rác sinh hoạt bình thường. Việc xử lý này không đúng quy trình và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với những rác thải độc hại như dầu, nhớt thải thì được vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Đà Nẵng để xử lý.
Bãi rác Rù Rì được Tập đoàn Jica đặc biệt quan tâm. |
Thiếu kinh phí
Đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đang cho xây dựng hai bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh tại TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Hiện bãi rác Lương Hòa ở TP. Nha Trang đang thoàn thiện và đã được sử dụng một phần, còn bãi rác Đồng Bà Cỏ tại TP. Cam Ranh chuẩn bị đưa vào sử dụng. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã triển khai đề tài thí điểm phân loại rác thải tại nguồn ở TP. Cam Ranh, với mục đích phân loại chất thải rắn hữu cơ và vô cơ, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý.
Ngoài ra, theo Quyết định phê duyệt Đề án Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020, dự kiến tỉnh sẽ xây dựng thêm 5 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh tại thị xã Ninh Hòa và các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh. Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Đức Vinh, quy hoạch đã được phê duyệt nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thể thực hiện do thiếu kinh phí. “Bãi rác Lương Hòa có tổng chi phí xây dựng lên đến 3 triệu USD. Nếu xây dựng tất cả các bãi rác trong quy hoạch thì tỉnh không đủ kinh phí, vì vậy rất mong có cơ quan quốc tế có các dự án hỗ trợ”, đồng chí Lê Đức Vinh cho biết.
Hiện nay, Tập đoàn Jica (Nhật Bản) đang quan tâm đến vấn đề quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Trong buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, đại diện Tập đoàn Jica cho biết đang thực hiện dự án “Tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn tại Việt Nam”, trong đó tập trung phát triển phần mềm quản lý chất thải rắn, rà soát lại luật và các quy định quản lý chất thải rắn ở Việt Nam. Đặc biệt, phía Tập đoàn Jica đang tìm một tỉnh hoặc thành phố để hỗ trợ thực hiện thí điểm dự án quy hoạch quản lý chất thải rắn, và Khánh Hòa là một trong những địa phương được chú ý.
Nhật Thanh