10:05, 21/05/2014

Tai nạn giao thông đường sắt: Diễn biến phức tạp

Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến khá phức tạp. tai nạn giao thông tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đáng lo là ngay tại những đường ngang hợp pháp, có tín hiệu cảnh báo tự động vẫn xảy ra tai nạn.

Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến khá phức tạp. TNGT tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đáng lo là ngay tại những đường ngang hợp pháp, có tín hiệu cảnh báo tự động vẫn xảy ra tai nạn.


Ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế


Hiện trên cung đường sắt đi qua địa bàn tỉnh có tới 241 đường ngang dân sinh; trong đó có 85 đường ngang hợp pháp và 156 vị trí đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Trước đây, hầu hết các vụ TNGT xảy ra tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Nhưng hiện nay, ngay cả đường ngang đi qua đường sắt hợp pháp cũng xảy ra TNGT. Điều này khiến ngành Đường sắt rất lo ngại.


Vụ tai nạn xảy ra cuối tháng 12-2013 tại km1285+184, đường ngang giao cắt Tỉnh lộ 5 thuộc địa phận xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa giữa một đoàn tàu với 2 xe mô tô do 2 thanh niên điều khiển là một ví dụ. Đây là đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động khi đoàn tàu vừa tới, nhưng 2 thanh niên này vẫn cố tình chạy qua khiến họ đều tử vong. Mới đây, tại Km 1273 + 642 thôn Nội Mỹ, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa xảy ra vụ TNGT đường sắt giữa tàu TN1 với em Lê Thị Kim Uy (sinh năm 2000, trú thôn Nội Mỹ) đang đi bộ cùng chiều, khiến em Uy thiệt mạng. Nguyên nhân, em Uy đeo tai phôn nghe nhạc nên không nghe còi tàu khi tàu qua khúc cua này.

 

Tại các đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Tại các đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông


Ông Hoàng Minh Chiến - Phó phòng kỹ thuật, Công ty quản lý đường sắt Phú Khánh cho biết, ngành Đường sắt hiện rất lo ngại trước tình hình TNGT đường sắt gia tăng. Bởi lẽ, đường ngang dân sinh bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều và phức tạp như khu vực xã Suối Cát (huyện Cam Lâm); xã Cam Phước Đông (Cam Ranh); xã Suối Hiệp (Diên Khánh); Tân Đảo, Tân Thành (Ninh Hòa)… Cá biệt tại Suối Cát có chiều dài đường sắt đi qua chưa đầy 500m nhưng có tới 24 vị trí đường ngang dân sinh bất hợp pháp.

 

Hiện có khoảng 6 đường ngang qua đường sắt tại các địa phương tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao gồm: km1367+050 (Ba Ngòi, Cam Ranh); km1367+800 (Cam Thịnh Đông, Cam Ranh); km1339+620 (Phú Bình, Cam Tân, Cam Lâm); km1333+640 giao cắt Tỉnh lộ 3 (Suối Tân, Cam Lâm); km1288+088 (Ninh Lộc, Ninh Hòa); km 1258+920 (Vạn Lương)…

Hiện nay, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL1A qua địa bàn tỉnh đang trong thời gian thi công và được đẩy nhanh tiến độ. Hàng ngày, có một lượng lớn xe tải chở đất đá băng qua đường sắt nên nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Người dân xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh chưa quên vụ tai nạn xảy ra ngày 7-4 giữa đoàn tàu TN1 với chiếc xe xúc lật của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng giao thông Phước Thành (Hà Nội, đơn vị thi công tuyến QL1A). Vụ tai nạn khiến lái xe Nguyễn Anh Tuấn thiệt mạng, xe xúc lật, đầu máy tàu bị hư hỏng nặng, gây tắc nghẽn giao thông gần 3 giờ. Nguyên nhân là do tài xế xe xúc lật Nguyễn Anh Tuấn (quê Trực Ninh, Nam Định) điều khiển xe từ đường ngang băng qua đường sắt không quan sát, không chấp hành tín hiệu dừng.


Tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông


Theo ông Hoàng Minh Chiến, qua khảo sát sơ bộ trên toàn tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh, một số đơn vị thi công QL1A thường sử dụng xe tải trọng lớn để vận chuyển vật liệu xây dựng đi qua đường sắt nhưng không phối hợp với ngành đường sắt, không tổ chức cảnh giới nên nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Hiện các xe tải trọng lớn đi qua đã làm kết cấu hạ tầng tại các đường ngang bị lún, hư hỏng, liên kết giữa tà vẹt và ray bị gãy, hỏng... “Để bảo đảm ATGT chạy tàu, mấy tháng nay, chúng tôi phải sửa chữa liên tục. Đoạn Tỉnh lộ 3 hiện đã xuống cấp nhưng hàng ngày có rất nhiều xe chạy qua, có những loại xe trên 50 tấn. Công ty đã có văn bản kiến nghị tỉnh, tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu chấp hành ATGT khi qua đường sắt nhưng đến nay mọi việc vẫn không thay đổi” - ông Chiến nói.


Không chỉ vậy, một số đơn vị thi công còn đổ đất đá, lập trạm trộn cấp phối trong hành lang ATGT đường sắt; xây dựng cầu cống thoát lũ, mở rộng mái taluy vi phạm ATGT đường sắt nhưng không thông báo cho ngành Đường sắt. Trong khi đó, về nguyên tắc, khi có hoạt động nằm trong hành lang ATGT đường sắt, đơn vị thực hiện phải có văn bản mới được thi công.


Cần triển khai nhiều biện pháp

 

Hơn 4 tháng đầu năm (từ 15-12-2013 đến 30-4-2014), trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ TNGT đường sắt, làm 7 người chết và 3 người bị thương nặng (năm 2013 xảy ra 10 vụ, làm 10 người chết); trong đó 2 vụ xảy ra tại đường ngang cảnh báo tự động, 2 vụ tại biển báo và 5 vụ do người dân đi lại trong lòng đường sắt và băng qua đường ngang dân sinh.

Trước thực trạng đó, ngành Đường sắt đã chủ động kiểm tra sửa chữa kết cấu hạ tầng tại các đường ngang; đồng thời thường xuyên kiểm tra các thiết bị cảnh báo tự động tại đường ngang. Đối với các đường dân sinh nguy hiểm, ngành đang tiến hành cắm biển cảnh báo chú ý tàu hỏa. “Ngành Đường sắt kiến nghị các địa phương, đơn vị quản lý đường bộ cắm biển báo hạn chế tốc độ và tải trọng tại các đường giao thông nông thôn, nhất là các đường ngang đi qua đường sắt. Qua đó, lực lượng chức năng sẽ có căn cứ xử lý các xe vi phạm. Các đơn vị thi công QL1A khi vận chuyển đất đá băng qua đường sắt, cần phối hợp chặt chẽ với ngành Đường sắt trong việc cử người canh gác tại các đường ngang để phòng vệ. Đồng thời, khi thi công các vị trí vi phạm lộ giới của ngành Đường sắt nên có sự phối hợp với ngành để bảo đảm an toàn. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Ban ATGT trong quá trình tuyên truyền về giao thông đường bộ, cần lồng ghép tuyên truyền về giao thông đường sắt cho người dân” - ông Chiến nói.


C.V