02:05, 06/05/2014

Sinh kế bền vững

Nhờ sự hỗ trợ vốn của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), gần 2 năm qua, một bộ phận phụ nữ nghèo ở xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã được hỗ trợ việc làm, cải thiện cuộc sống.

Nhờ sự hỗ trợ vốn của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), gần 2 năm qua, một bộ phận phụ nữ nghèo ở xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã được hỗ trợ việc làm, cải thiện cuộc sống.


Được hỗ trợ


Xã Vạn Lương có khoảng 50% phụ nữ làm các công việc gắn liền với biển như: buôn bán hải sản tại các cảng cá, vá lưới, mò cua bắt ốc, phụ chồng đi soi, đánh bắt gần bờ bằng các phương tiện thô sơ... Những công việc này thường cho thu nhập thấp, bấp bênh. Vài năm gần đây, hải sản gần bờ bị khai thác quá mức, cạn kiệt nên một số phụ nữ mất việc làm, cuộc sống gia đình gặp khó khăn, thậm chí trở thành hộ nghèo và cận nghèo. Trước tình hình đó, năm 2012, thông qua Hội Phụ nữ xã, phụ nữ nghèo trên địa bàn xã được MCD hỗ trợ nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, giúp chị em cải thiện cuộc sống; bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ...


Theo báo cáo của Hội Phụ nữ xã Vạn Lương, năm 2012, MCD hỗ trợ cho 6 hộ phụ nữ nghèo phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Mỗi hộ được hỗ trợ 10 cặp chim giống, lồng nuôi và kỹ thuật nuôi với tổng trị giá 7 triệu đồng/hộ. Nhờ phát triển tốt đàn chim bồ câu, các hộ đã có thu nhập ổn định. Năm 2013, MCD hỗ trợ mô hình này cho 10 hộ phụ nữ nghèo khác. Hiện nay, các hộ đang nhân đàn, chim phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Ngoài ra, năm 2012, MCD còn hỗ trợ cho 9 hộ phụ nữ nghèo (mỗi hộ 4 triệu đồng) để phát triển mô hình đan giỏ xách mỹ nghệ. Năm 2013, tổ chức này hỗ trợ cho 20 hộ phụ nữ nghèo trồng lúa cao sản (trị giá 3,4 triệu đồng/hộ) bằng cách hỗ trợ giống, phân và kỹ thuật canh tác.

 

Đàn bồ câu Pháp của gia đình chị Nam đang phát triển tốt.
Đàn bồ câu Pháp của gia đình chị Nam đang phát triển tốt.


Bà Ngô Thị Dạn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu đang phát triển; sản phẩm giỏ mỹ nghệ bán chạy; lúa cao sản trồng đạt năng suất. Các mô hình này đang dần tạo sinh kế bền vững cho hội viên. Thời gian tới, MCD sẽ tiếp tục hỗ trợ 100 triệu đồng cho phụ nữ nghèo phát triển mô hình nuôi ngan Pháp.


Tăng thêm thu nhập


Những năm trước, gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền (thôn Xuân Tự 2) sống bằng nghề biển. Tối nào vợ chồng chị cũng đi soi cá, bắt cua, ghẹ, sò, ốc để bán, mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hải sản ven bờ cạn kiệt, có hôm vợ chồng chị đi soi cả đêm nhưng chỉ bắt được chưa đến 0,5kg cua, kiếm được chỉ vài chục nghìn đồng, thậm chí có khi đi về tay không. Rồi chồng chị bỏ nghề này, chuyển sang đi bạn thuyền, còn chị ở nhà nội trợ, cuộc sống gia đình bắt đầu gặp khó khăn. Năm 2012, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã xét hỗ trợ làm nghề đan giỏ mỹ nghệ từ nguồn vốn MCD. Từ đó, chị có cơ hội tham gia tổ đan giỏ mỹ nghệ của Hội. Qua một thời gian tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của các thành viên trong tổ, giỏ mỹ nghệ được đan ngày một đẹp hơn. Hiện nay, sản phẩm của tổ không chỉ bán cho người dân địa phương mà còn chào bán tại TP. Nha Trang và gửi theo đơn đặt hàng của khách ở tận TP. Hồ Chí Minh. “Nhờ vậy, hàng tháng, tôi có thêm một khoản thu nhập để cùng chồng nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống” - chị Huyền nói.

 

1
Chị Huyền đang đan giỏ xách mỹ nghệ.


Chị Trần Nguyễn Hiền Nam (thôn Quảng Phước) chia sẻ, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng chị đều không có công việc ổn định nên thu nhập khá bấp bênh. Năm 2013, được Hội Phụ nữ xã xét hỗ trợ nuôi chim bồ câu Pháp từ nguồn vốn MCD, chị rất mừng. Đàn chim bồ câu của nhà chị đang phát triển tốt, từ 10 cặp chim giống hỗ trợ ban đầu, hiện nay, chị đã nhân lên được 14 cặp và có 8 cặp đang đẻ trứng. Mấy tháng nay, ngoài lựa chọn những con giống tốt để nhân đàn, chị cũng đã có bồ câu con mang đi bán. “Tôi đi làm thuê, thu nhập ngày có ngày không. Vì thế, đàn bồ câu là niềm hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình sau này” - chị Nam tâm sự.


Hộ anh Nguyễn Chiến (thôn Hiền Lương) được MCD hỗ trợ nuôi chim bồ câu cho biết, nếu nuôi tốt, các cặp chim bồ câu giống sẽ sinh sản liên tục. 1 cặp chim bồ câu giống nuôi 45 ngày bán giá khoảng 150.000 đồng; 1 cặp chim thịt nuôi 15 ngày bán giá 60.000 đồng. Chim bồ câu chủ yếu ăn lúa, gạo, bắp nên chi phí thức ăn rất thấp, lại dễ nuôi. Vì thế, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mà phụ nữ nghèo đang nuôi sẽ nhân đàn nhanh, sinh sản tốt và cho thu nhập ổn định, cải thiện được cuộc sống.


Bà Trần Thị Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vạn Ninh đánh giá: “Các mô hình MCD hỗ trợ được Hội Phụ nữ xã Vạn Lương triển khai rất tốt. Từ đó, phụ nữ nghèo trên địa bàn xã có thêm nguồn thu nhập bổ sung, phát triển kinh tế gia đình”.


LƯU KHÁNH