03:05, 20/05/2014

Mong sớm được giải quyết chế độ

Hiện nay, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang cần sự chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là các cơ quan chức năng sớm giải quyết chế độ theo quy định để cuộc sống phần nào bớt khó khăn.

Hiện nay, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang cần sự chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là các cơ quan chức năng sớm giải quyết chế độ theo quy định để cuộc sống phần nào bớt khó khăn.


Nỗ lực vượt lên hoàn cảnh


Gia đình ông Cao Hồ Sơn (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) có 5 người con suốt ngày chỉ biết cười, nói nhảm. Đó là di chứng của chất độc da cam/dioxin mà ông đã mắc phải trong những năm tháng tham gia cách mạng. Ông Sơn chia sẻ: “Thương con, tôi cố nén nỗi đau để gánh vác trọng trách gia đình”. Cần cù chịu khó, vợ chồng ông đã khai hoang được hơn 3ha đất đồi để trồng bắp, chuối, cà phê, sầu riêng. Khu vườn đồi này mỗi năm cho gia đình ông thu nhập hơn 70 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống phần nào vơi đi khó khăn. Giờ đây, bản thân ông cũng đã được giải quyết chế độ hơn 1,5 triệu đồng/tháng và 3 người con đầu hơn 600.000 đồng/tháng. Nhưng hiện nay, 2 người con sau vẫn chưa được ngành chức năng giải quyết chế độ theo quy định.


Ông Cao Văn Sung (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) cũng từng ngày cố nén nỗi đau tinh thần và thể xác để chăm sóc 3 người con ngây dại do chất độc da cam/dioxin gây ra. Ông Sung cho biết: “Từ ngày sinh ra, các con tôi cứ nằm im như khúc gỗ, đói không biết đòi ăn, khát không biết đòi uống, ngay cả đi vệ sinh cũng nằm tại chỗ”. Để có thêm tiền lo thuốc men, sinh hoạt hàng ngày cho con, ông đã khai khẩn đất đồi trồng được 4ha keo lai, 2ha mì và chăn nuôi 6 con bò, mỗi năm cho thu nhập hơn 80 triệu đồng. Ông Sung trăn trở: “Bây giờ, vợ chồng tôi còn sức để lao động; nhưng sau này, sức khỏe yếu đi, lấy ai chăm sóc cho các con; vợ chồng biết nương nhờ vào ai khi bệnh tật, ốm đau?”. Dường như, nỗi lòng của ông Sung cùng là nỗi lo chung của tất cả các gia đình, những nạn nhân chất độc da cam...

 

Chị Bo Bo Thị Vương bên những đứa con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Chị Bo Bo Thị Vương bên những đứa con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.


Mong sớm giải quyết chế độ


Để được hưởng chế độ ưu đãi như bao người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khác, ông Cao Văn Nhiên - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Khánh Sơn đã có 10 lần làm hồ sơ để mong được xét duyệt, thế nhưng đều không được giải quyết. Ông Nhiên nói: “Không hiểu vì sao nhiều người từng tham gia cách mạng cùng thời điểm, cùng địa bàn như tôi đều được công nhận hưởng chế độ ưu đãi, còn bản thân tôi cho đến nay vẫn chưa được xét duyệt hồ sơ. Chúng tôi chỉ mong các cấp, ngành triển khai chế độ ưu đãi sao cho thật công bằng, đúng người, hợp tình, hợp lý...”.

 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, mới chỉ có hơn 1.600 người được giải quyết chế độ hàng tháng. Thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ, từ năm 2013 đến nay, Sở đã chuyển hơn 500 hồ sơ cho Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để giám định tỷ lệ thương tật, bệnh tật. Số hồ sơ này vẫn đang trong giai đoạn thẩm định, xét duyệt. 

Ông Vương Thiệu (84 tuổi, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) cũng là người từng hoạt động cách mạng trong vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học, nhưng đến nay, ông vẫn chưa được xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ. Ông Thiệu cho biết: “Tôi làm thủ tục hồ sơ theo quy định để mong được hưởng trợ cấp, thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bây giờ tôi đã già yếu, không biết đến khi nào mới được xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ?”. Được biết, năm 1965, 1967, ông Thiệu tham gia chiến đấu ở chiến trường Gia Lai, Kon Tum.


Hay như trường hợp các con của chị Bo Bo Thị Vương và anh Cao Quốc Tuấn (thị trấn Tô Hạp, Khánh Sơn),  bị nhiễm chất độc da cam/dioxin do di truyền từ đời ông nội, đến nay cũng chưa được giải quyết chế độ. Chị Vương cho biết: “Tôi sinh được 4 người con (1 người đã chết), tất cả đều bị teo cơ, thần kinh điên loạn, chỉ biết nằm một chỗ. Hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo, chồng đi làm thuê, tôi phải ở nhà chăm sóc các con. Tôi rất mong các cấp, ngành sớm giải quyết chế độ cho các con tôi để phần nào giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn”...


Ông Trần Quang Tuyến - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: “Hiện nay, số người bị phơi nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh chưa được hưởng trợ cấp còn rất nhiều. Đa số họ đã già yếu và không có khả năng lao động, có nhiều người đã chết do bệnh tật phát sinh. Do đó, các cấp, ngành cần khẩn trương tìm hướng giải quyết hợp lý cho các đối tượng”.


PHÚ VINH