11:05, 06/05/2014

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quyết định lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là kết quả sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự dốc sức của toàn quân và toàn dân. Trong thắng lợi vĩ đại ấy, không thể không nhắc đến vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã có quyết định lịch sử từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc", đem lại thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là kết quả sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự dốc sức của toàn quân và toàn dân. Trong thắng lợi vĩ đại ấy, không thể không nhắc đến vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã có quyết định lịch sử từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, đem lại thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ.


Quyết định lịch sử


Cuối năm 1953, quân Pháp nhảy dù ở lòng chảo Điện Biên, xây dựng nên tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hạ tuần tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953 - 1954. Ngày 12-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch cùng trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh đến Tuần Giáo, Điện Biên. Ngay lập tức, Đại tướng cho triệu tập Hội nghị Đảng ủy mặt trận (tại hang Thẩm Pua) để bàn về cách đánh Điện Biên, bởi ông cảm thấy kế hoạch tác chiến mà cơ quan tham mưu vừa chuẩn bị theo phương án đánh nhanh có gì đó không ổn. Trong cuộc họp, tất cả đảng ủy viên mặt trận đều nhất trí chọn phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”. Mọi người cho rằng, quân ta đang sung sức, quyết tâm chiến đấu rất cao, lại có trọng pháo và pháo cao xạ lần đầu xuất trận, ta có thể tạo bất ngờ và đánh thắng; nếu không đánh sớm, để tập đoàn cứ điểm được tăng cường quá mạnh, ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đánh tiêu diệt lớn trong Đông Xuân này. Thấy phương án “đánh nhanh thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không thể đảm bảo chắc thắng, tuy nhiên thấy mình chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ nên Đại tướng đã đồng ý triệu tập hội nghị cán bộ để kịp triển khai công tác chuẩn bị. Phương án “đánh nhanh thắng nhanh” nhanh chóng được phổ biến trong toàn quân. Thời gian tác chiến dự kiến là 3 đêm 2 ngày, ngày nổ súng là 20-1-1954. Sau đó vì việc kéo pháo vào trận địa bị chậm, thời gian nổ súng được ấn định là 17 giờ ngày 26-1-1954.


Suốt thời gian đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn trăn trở với câu hỏi: Liệu đánh nhanh, thắng nhanh có chắc thắng? Qua thực tế quan sát cũng như tin tức báo về, Đại tướng thấy rằng đánh nhanh để thắng nhanh có thể là sự mạo hiểm, không đảm bảo chắc thắng. Từ đó, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, trăn trở, Đại tướng đã có một quyết định quan trọng: Ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh. Sáng 26-1-1954, sau khi hội ý với ông Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn cố vấn của Trung Quốc, Đại tướng đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy đột xuất đề nghị thay đổi cách đánh. Đại tướng nhận định, địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố nên không thể đánh theo kế hoạch đã định. Quân ta có 3 khó khăn lớn không thể vượt qua: Các đơn vị bộ đội chủ lực chưa có khả năng trong một thời gian ngắn, tiêu diệt cả chục tiểu đoàn địch phòng ngự trong tập đoàn cứ điểm; chưa có kinh nghiệm đánh hợp đồng bộ binh và pháo binh trên quy mô lớn, cán bộ còn lúng túng trong việc chỉ huy; bộ đội phải chiến đấu liên tục trong hai ngày ba đêm với một kẻ địch có ưu thế về không quân, pháo binh và xe tăng trên địa hình trống trải, nhất là trên cánh đồng Mường Thanh khá rộng thì rất khó tránh thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các cháu thiếu nhi Mường Phăng.  (Ảnh: Đoàn Hoài Trung)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các cháu thiếu nhi Mường Phăng

 
Theo Đại tá Hoàng Minh Phương - trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến dịch Điện Biên, cuộc thảo luận của Đảng ủy Mặt trận rất sôi nổi. Nhiều ý kiến đề nghị cho đánh ngay, vì tất cả các đại đoàn đã đến khu tập kết chiến đấu, pháo binh ta đã vào chiếm lĩnh trận địa, để chuẩn bị khai hỏa theo kế hoạch, quyết tâm của bộ đội rất cao, nên không đánh ngay e mất thời cơ và sẽ khó khăn bảo đảm hậu cần khi kéo dài chiến dịch. Khi Đại tướng đặt vấn đề, liệu đánh nhanh có bảo đảm chắc thắng 100% như Bác Hồ đã dặn không, thì không ai dám khẳng định. Qua thảo luận rất khẩn trương, kỹ lưỡng, cuối cùng Đảng ủy nhất trí đồng thuận với đề xuất của Đại tướng. Trên cơ sở đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tác chiến tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nay quyết định hoãn cuộc tấn công. Đồng thời ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu; hậu cần chuẩn bị theo phương châm tác chiến mới.


Ý nghĩa sống còn


Việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm, cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã thể hiện một trí tuệ tuyệt vời, tinh thần trách nhiệm rất cao trước vận mệnh của đất nước và sinh mệnh của cán bộ, chiến sĩ. Khi được báo tin, Bộ Chính trị nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn.


Nhờ có quyết định này, quân ta đã có thêm hơn một tháng rưỡi chuẩn bị trước khi nổ súng mở chiến dịch. Với việc thay đổi cách đánh, Đại tướng đã không chấp nhận một trận quyết chiến để phân thắng bại với kẻ thù khi chúng còn sung sức, lại có ưu thế về trang bị kỹ thuật, đặc biệt là không quân và pháo binh, điều mà Navarre mong đợi để có cơ hội “nghiền nát chủ lực Việt Nam”. Thay vào đó, ta đã chủ động chuyển sang vây hãm dài ngày nhằm từng bước cắt đường tiếp viện, tiếp tế của địch; tập trung binh lực, hỏa lực lần lượt tiến công tiêu diệt từng cứ điểm. Với chiến thuật này, binh lực của địch ở Điện Biên Phủ ngày càng tiêu hao, khó khăn ngày càng chồng chất, ý chí chiến đấu của địch ngày càng sa sút để cuối cùng đánh gục địch khi quân số còn đông, lập nên chiến công hiển hách. Thực tiễn đã chứng minh rằng, chỉ riêng cứ điểm đồi A1, quân ta đã phải mất 38 ngày đêm mới dứt điểm được. Với 49 cứ điểm mà ta định đánh trong 3 ngày 2 đêm là quá mạo hiểm, nếu như không muốn nói là “tự sát”.


Đánh giá về quyết định lịch sử này, tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: “Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm”. Trong tác phẩm Giáp, một sự đánh giá, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Peter MacDonald (người Anh) đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến... Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của mọi thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.


35 năm sau, trong hồi ức “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thổ lộ: “Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.


THÀNH NGUYỄN (Tổng hợp)


 


Chiến dịch trải qua 3 đợt tiến công:  

Đợt 1 (từ ngày 13-3 đến ngày 17-3): tiến công diệt các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo (Phân khu Bắc).


Đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4): tiến công các cứ điểm phía Đông (các ngọn đồi C1, E, D, A1), xây dựng trận địa bao vây, đánh lấn, chia cắt tập đoàn cứ điểm, khống chế và triệt chi viện đường không của địch. Riêng trận đánh đồi A1 gặp khó khăn, ta phải tổ chức đánh đến 3 lần nhưng mỗi bên chiếm một nửa đồi A1.


Đợt 3 (từ ngày 1 đến ngày 7-5): tiêu diệt hoàn toàn 2 cao điểm A1 và C1, đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Tây và phía Đông; chuyển sang tổng công kích diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 ngày 7-5-1954, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy địch và bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ bộ chỉ huy của địch.


Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn hạ 62 máy bay và thu toàn bộ kho tàng, vũ khí của thực dân Pháp tại Điện Biên.