10:04, 15/04/2014

Hướng dẫn phòng, chống lũ hạ du: Chưa cụ thể

Phòng, chống lũ lụt vùng hạ du là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách bởi nó liên quan mật thiết đến hạ tầng kinh tế - xã hội và tính mạng con người. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng dẫn còn chung chung, gây khó khăn khi triển khai.

Phòng, chống lũ lụt vùng hạ du là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách bởi nó liên quan mật thiết đến hạ tầng kinh tế - xã hội và tính mạng con người. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng dẫn còn chung chung, gây khó khăn khi triển khai.


Xây dựng phương án


Hiện nay, diễn biến thời tiết ngày càng bất thường do biến đổi khí hậu và nhiều tác động tiêu cực khác. Đồng thời, việc xây dựng quá mức các hồ, đập (thủy lợi, thủy điện) trên các dòng sông, trong đó có nhiều hồ, đập xuống cấp trầm trọng, thiếu kinh phí tu sửa, nâng cấp... gây ra nguy cơ mất an toàn đập và là mối nguy của vùng hạ du. Vì vậy, việc xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho hạ du trên cả nước đang là vấn đề bức thiết.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có 27 hồ, đập (thủy lợi, thủy điện) đang hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có hồ Đá Bàn đã lập, phê duyệt kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp; hồ EaKrongRou đang lập phương án và sẽ trình duyệt trong năm nay. Các hồ còn lại đang trình UBND tỉnh xem xét cho phép lập phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du.


Theo ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, các hồ chứa trong tỉnh, đặc biệt là hồ chứa hơn 10 triệu m3 có hệ số an toàn rất cao. Tất cả đều được đầu tư, nâng cấp kiên cố, vững chắc, bảo đảm các yêu cầu về quy trình, quy phạm của an toàn hồ chứa. Thời gian qua, thông qua việc điều tiết hồ chứa trong mùa mưa lũ, một số hồ buộc phải xả lũ khi mực nước uy hiếp an toàn đập. Việc này đã gây ảnh hưởng đến hạ du. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng phương án phòng, chống lụt bão, bảo vệ người, tài sản; chủ đập xây dựng và vận hành phương án an toàn hồ đập được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du; xây dựng quy trình xả lũ liên hồ chứa; chủ động ứng phó trong mùa mưa bão...

 

Hồ Suối Dầu xã lũ mùa mưa.
Hồ Suối Dầu xã lũ mùa mưa.


Khó thực hiện

 

Sở NN-PTNT cho biết, theo đề xuất của 2 công ty khai thác công trình thủy lợi Nam và Bắc Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có 14 hồ chứa cần lập phương án phòng, chống lũ lụt hạ du đập là: Suối Dầu, Cam Ranh (huyện Cam Lâm); Hoa Sơn, Am Chúa, Cây Sung, Láng Nhớt (huyện Diên Khánh); Đồng Bò (TP. Nha Trang); Suối Hành (TP. Cam Ranh); Đá Đen, Suối Luồng, Suối Lớn (huyện Vạn Ninh); Tiên Du, Suối Trầu, Suối Sim (thị xã Ninh Hòa). Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng phương án hơn 21 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, hiện nay, công tác lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đang thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương vẫn đang gặp khó khăn.
Ông Trị cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về trình tự lập, thẩm định và phê duyệt phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập; khó xác định phạm vi vùng hạ du bị ảnh hưởng; đồng thời chưa hướng dẫn việc lập định mức, dự toán. Việc xác định vùng ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như hồ Am Chúa (Diên Khánh) có dung tích hơn 4 triệu m3 nước, nếu xả lũ thì sức ảnh hưởng chỉ bằng 0,5% lưu vực. Nhưng dư luận cho rằng, xả lũ hồ Am Chúa gây ngập lụt địa bàn Nha Trang. Hồ Suối Dầu khi xả lũ chỉ làm gia tăng mức ngập lụt cho TP. Nha Trang. Việc ngập lụt nặng còn do lượng mưa lớn, nước sông Cái dâng cao, đôi khi gặp triều cường... “Trong khi đó, các thông tư còn nói chung chung việc kiểm định an toàn đập hay xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt, chưa xác định rõ nguồn vốn nên việc triển khai rất khó khăn...”, ông Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính nhận xét.


Vì các lý do đó, trước mắt, Sở NN-PTNT đề xuất lập phương án cho 3 hồ chứa có dung tích lớn gồm: Suối Dầu, Hoa Sơn và Cam Ranh. Các hồ còn lại sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện sau khi Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi và các thông tư thực hiện.


Mới đây, tại cuộc họp bàn về xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập, ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị phải thực hiện yêu cầu của Trung ương vì đây là vấn đề cấp thiết. Trước mắt, chọn hồ Suối Dầu xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt hạ du; giao Sở NN-PTNT tham mưu tỉnh có văn bản kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung Nghị định 72, các thông tư: 33, 34 về vấn đề liên quan.


P.L