09:04, 15/04/2014

Cần bám sát nhu cầu thực tế

4 năm qua, việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP. Nha Trang đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu học nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, thành phố cần rà soát nhu cầu thực tế tại các địa phương.

4 năm qua, việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn TP. Nha Trang đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu học nghề, nâng cao chất lượng nguồn LĐNT, thành phố cần rà soát nhu cầu thực tế tại các địa phương.


Cùng vào cuộc


Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoạt động ĐTN cho LĐNT trên địa bàn thành phố đã thu hút đông đảo người lao động (NLĐ) đăng ký tham gia học nghề. Bên cạnh sự quan tâm tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, việc làm của người dân, các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đã phối hợp thực hiện, kiện toàn ban chỉ đạo Đề án cấp thành phố. Ngoài ra, cấp xã cũng đã có 8/8 địa phương có ban chỉ đạo hoặc tổ công tác thực hiện Đề án.


Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, giám sát các lớp ĐTN cũng được chú trọng. Bình quân mỗi lớp học được kiểm tra 2 - 3 lần. Tính từ năm 2011 đến 2013, các cơ quan chức năng thành phố đã thực hiện kiểm tra, giám sát 46 lần các lớp học. Một số xã, phường như: Vĩnh Trung, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước... còn cử cán bộ đến từng nhà vận động, giải thích cho NLĐ hiểu được quyền lợi của mình để tham gia học nghề. Đặc biệt, xã Vĩnh Lương còn thuê xe chở học viên đi học nghề ở địa bàn xa trong những lớp học ghép nhiều xã...

 

Một lớp học nghề đan mây tre tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang.
Một lớp học nghề đan mây tre tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang.


Từ sự chỉ đạo tích cực của cơ quan chức năng, 4 năm qua, toàn thành phố đã triển khai 56 lớp dạy nghề cho LĐNT với hơn 1.600 học viên. Các nghề được đào tạo chủ yếu như: thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên, thợ máy tàu cá, may, nấu ăn, nghiệp vụ buồng, pha chế đồ uống... Những nghề này đang phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của thành phố, nên hơn 75% NLĐ học nghề xong có việc làm...


Vẫn còn khó khăn


Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT tại địa bàn một số xã đã có những chuyển biến hiệu quả. Xã Vĩnh Lương tổ chức được 5 lớp; Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa tổ chức từ 1 đến 3 lớp... Tại xã Vĩnh Lương, nhiều lao động sau khi học nghề đã có ý chí vươn lên, trở thành hộ khá. Cuối năm 2013, đã có 7/9 hộ nghèo có người tham gia học nghề vươn lên thoát nghèo, 3 hộ có thu nhập khá. Đặc biệt, có chị Phan Thị Ngọc Thúy, sau khi học xong lớp may công nghiệp, chị tự nhận hàng may tại nhà cho thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.

 
ĐTN là nhu cầu thiết thực, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội. Khi được ĐTN, NLĐ có nhiều cơ hội tìm việc làm có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, đối với những xã có điều kiện khó khăn, việc vận động người tham gia học nghề không đơn giản. Ông Phạm Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương nói: “Đa số người chưa có nghề nghiệp lại là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai nên việc học nghề tập trung nhiều ngày, đi học xa sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Vì vậy, người dân chưa tha thiết với nhu cầu học nghề. Một số NLĐ bằng lòng với việc làm thuê hàng ngày, từ chối việc học nghề do Nhà nước hỗ trợ học phí. Do đó, tuy địa phương đã tốn nhiều công sức vận động chiêu sinh nhưng vẫn chưa đạt được số lượng học viên để mở lớp theo quy định”. Bên cạnh đó, một số nghề đòi hỏi thời gian đào tạo từ 6 đến 9 tháng mới đạt trình độ sơ cấp như: hàn, sửa chữa máy tính..., trong khi người học nghề chỉ học trong 3-4 tháng nên chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, không được các cơ sở nhận vào làm. Điều này gây lãng phí và giảm cơ hội được làm việc cho những học viên tham gia Đề án.


Được biết, hiện nay, dệt sợi chưa được công nhận là một nghề được hỗ trợ kinh phí của Đề án. Điều này cũng làm giảm cơ hội cho LĐNT học nghề này, trong khi nhu cầu tuyển dụng công nhân nghề sợi của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang rất cao. Bà Kim Anh - lãnh đạo Cơ sở ĐTN dệt may Nha Trang cho biết: “Các lớp đào tạo của chúng tôi đảm bảo 100% học viên có việc làm sau khi học nghề. Nếu được lãnh đạo thành phố và Sở Công Thương bổ sung nghề này vào danh sách các nghề được hỗ trợ kinh phí, sẽ tạo thuận lợi cho LĐNT và cơ sở dạy nghề của chúng tôi”.


Sẽ điều chỉnh nội dung đào tạo


Năm 2014, Ban chỉ đạo Đề án ĐTN cho LĐNT của thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh, cải tiến nội dung chương trình đào tạo gắn chặt với tiến bộ kỹ thuật và thực tế sản xuất; tạo lập mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc dạy nghề cho LĐNT bằng những hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương, tăng thời lượng thực hành...; hình thành các tổ sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tạo việc làm bền vững cho lao động sau học nghề.


Theo ông Nguyễn Khắc Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, thành phố sẽ bám sát nhu cầu thực tế của LĐNT. Ngoài ra, NLĐ phải thấy được quyền lợi khi học nghề. Nhà nước bỏ kinh phí đào tạo để giúp LĐNT tăng thu nhập, ổn định cuộc sống thì NLĐ cũng phải vượt qua khó khăn, phấn đấu thoát nghèo, không nên ỷ lại. Ban chỉ đạo sẽ làm hết trách nhiệm, không cứng nhắc theo chỉ tiêu; đồng thời đảm bảo nâng cao tỷ lệ có việc làm sau học nghề từ 75 đến 100%.


Hương Quỳnh