Hơn 1 năm sau khi triển khai thực hiện giai đoạn 1 chủ trương dành một phần vỉa hè để bố trí tạm thời buôn bán không vì mục đích giao thông, TP. Nha Trang đạt được một số kết quả trong công tác quản lý trật tự, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Hơn 1 năm sau khi triển khai thực hiện giai đoạn 1 chủ trương dành một phần vỉa hè để bố trí tạm thời buôn bán không vì mục đích giao thông, TP. Nha Trang đạt được một số kết quả trong công tác quản lý trật tự, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Đáp ứng được mong muốn
Qua hơn 1 năm thực hiện chủ trương, đường phố đã giảm bớt tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt, chủ trương này đã đáp ứng mong muốn của chính quyền cũng như người dân. Bà Tạ Huệ Linh (đường Bạch Đằng, phường Tân Lập) chia sẻ: “Hàng ngày tôi bán bánh mì, bánh canh để kiếm thêm thu nhập vì gia cảnh quá khó khăn. Trước đây, khi buôn bán, tôi luôn phải dè chừng lực lượng công an, dân phòng nhưng một năm trở lại đây không còn cảnh này bởi tôi đã đăng ký với phường”. Ông Huỳnh Quang Tú - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Sài cho rằng: Chủ trương đưa ra rất phù hợp với nguyện vọng của người dân và chính quyền. Bà con có chỗ buôn bán, còn chính quyền thì bớt gánh nặng kiểm tra. Đến nay, trên địa bàn phường đã cấp phép hoạt động cho 28/47 trường hợp đăng ký, trên 3 tuyến đường: Hoàng Văn Thụ, Bà Triệu và Tô Vĩnh Diện. Phường đang đề xuất thành phố xin triển khai thêm 2 tuyến nữa”.
Cùng quan điểm này, ông Dương Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên phân tích: “Chủ trương cho phép dành một phần vỉa hè làm nơi buôn bán rất phù hợp trong tình hình hiện nay, bởi việc buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường xảy ra thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, việc triển khai hiện nay chỉ ưu tiên cho các trường hợp nan giải về mặt bằng buôn bán, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn. Để đảm bảo công bằng, phường tăng cường công tác quản lý bằng cách thành lập các tổ tự quản trên tuyến đường được phép buôn bán để giám sát việc chấp hành chủ trương này”.
Đường Bà Triệu được phép sử dụng một phần vỉa hè để buôn bán nhưng vẫn còn nhếch nhác. |
Cần tạo sự khác biệt
Theo đánh giá của Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, sau hơn 1 năm triển khai công tác này đã đạt được một số kết quả nhất định: 6 phường thí điểm đã đưa người buôn bán vặt vào buôn bán tại các tuyến được phép; hướng dẫn, tuyên truyền trên đài truyền thanh. Một số phường đã vận động cơ quan, trường học cho phép người dân được buôn bán trong một số giờ nhất định (Lộc Thọ, Vạn Thạnh). Bên cạnh đó, triển khai việc sơn, kẻ lại vạch phần đường được buôn bán; kiểm tra, xử lý các trường hợp không thực hiện đúng cam kết (chấp hành quy định về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan...). Đến nay, toàn thành phố đã cấp phép cho 157 trường hợp trên 18 tuyến đường theo quy định.
Ông Ngô Khắc Thinh - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, Nha Trang vẫn chưa hình thành được các phố buôn bán đặc thù bởi còn gặp nhiều khó khăn do các chủ nhà hàng, khách sạn, nhà dân không đồng ý vì làm cản trở lối đi, che chắn mặt tiền kinh doanh... Thời gian qua, thành phố đã dành tạm một phần vỉa hè để buôn bán, bước đầu giải quyết khó khăn về mặt bằng cho những hộ có thu nhập thấp nhưng công tác này vẫn còn nhiều bất cập. Phòng đang đề xuất thành phố xin chủ trương triển khai giai đoạn 2, hình thành các tuyến phố đặc trưng..
Các phường triển khai thí điểm cho rằng, việc bố trí tạm thời một phần vỉa hè dành cho buôn bán là chủ trương đúng, cần phát huy. Tuy nhiên, hiện nay, việc buôn bán của người dân còn tùy tiện, một số hộ còn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự, mỹ quan đô thị; chưa chấp hành tốt các yêu cầu đề ra theo quy định và cam kết... Bên cạnh đó, theo quy định, những hộ được phép sử dụng vỉa hè buôn bán phải được sự đồng ý của chủ nhà, gây khó khăn cho việc đăng ký, thậm chí có nơi còn xảy ra thỏa thuận ngầm, chủ nhà bóp chẹt hộ sử dụng mặt bằng. Mặt khác, việc cấp phép đòi hỏi hội đủ các điều kiện như: An toàn vệ sinh thực phẩm, chủ nhà cho phép... khiến việc đăng ký bị trở ngại; một số hộ chưa được cấp phép nhưng vẫn kinh doanh...
Để tạo sự khác biệt giữa các tuyến đường cho phép buôn bán và cấm buôn bán, TP. Nha Trang cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý, vận động, tuyên truyền để người dân có ý thức hơn; có biển quy định đường phố được phép buôn bán để phân biệt với đường phố không được phép buôn bán; người được sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán cần chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, đồng thời thể hiện ý thức, trách nhiệm của cư dân đô thị văn minh, thân thiện... Có như vậy, mới tạo được sự khác biệt giữa các tuyến phố cấm và phố được phép sử dụng một phần vỉa hè để buôn bán. Ngoài ra, thành phố cũng nên triển khai giai đoạn 2, xây dựng các phố buôn bán điển hình.
PHÚ LÂM