Báo Khánh Hòa vừa nhận đơn kiến nghị của ông Lê Ba (trú tại tổ dân phố Phan Bội Châu 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), đề nghị các cơ quan chức năng xem xét thẻ thương binh của cha mình.
Báo Khánh Hòa vừa nhận đơn kiến nghị của ông Lê Ba (trú tại tổ dân phố Phan Bội Châu 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), đề nghị các cơ quan chức năng xem xét thẻ thương binh của cha mình.
Theo đơn của ông Lê Ba (sinh năm 1954), cha ông là Lê Cho, sinh năm 1925 tại Diên Khánh. Năm 1945 ông Lê Cho tham gia Mặt trận 23-10 (Nha Trang, Khánh Hòa) thuộc Chi đội 2 Độc Lập. Sau chiến dịch, đơn vị chuyển ra Đà Nẵng thành lập Trung đoàn 96 và được biên chế ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96. Năm 1951 ông Cho bị thương được đưa về xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi để điều trị và chăm sóc. Tại đây, ông Lê Cho được bà Nguyễn Thị Bạch Mai, cán bộ phụ nữ xã Tịnh Khê trực tiếp chăm sóc (hiện bà đang sống tại Diên Khánh).
Thẻ Thương binh của ông Lê Cho do ông Lê Ba cung cấp. |
Ông Lê Ba cho biết, năm 1967, máy bay Mỹ bắn phá làng Cổ Lũy, xã Tịnh Khê làm nhà bà ngoại ông bị cháy, sập hầm làm chết người em trai 4 tuổi, mẹ bị thương nặng ở chân. Năm 1968, cha ông đưa gia đình về quê nội ở Diên Khánh đi tìm ông bà nội và em trai nhưng ông bà nội đã chết, chú ruột (ông Lê Thành) đã đi tập kết ra miền Bắc năm 1954. Từ đó, sợ bị lộ vì đã tham gia hoạt động cách mạng nên cha ông đi bán kem, bong bóng kiếm sống và nuôi vợ con. Năm 1972, cha ông bị chết do tai nạn giao thông. Năm 2011, ông Lê Văn Thành (em ruột ông Lê Cho) cùng 10 người con ông Lê Cho đóng góp tiền sửa chữa lại nhà tại Diên Khánh để thờ cúng tổ tiên thì phát hiện thẻ thương binh của ông Lê Cho được ép vào trong tủ thờ không rõ từ bao giờ. Tấm thẻ thương binh vẫn gần như còn nguyên vẹn rõ chữ: Lê Cho, Đội viên, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96. Sinh năm 1925, quê quán Phú Khánh, Khánh Hòa. Số sổ hưu bổng 217, số huy hiệu 217, tỷ lệ thương tật 30%. Thẻ do phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ Trần Đình Tri ký. “Ba tôi đã mất lâu rồi. 10 anh em tôi đã trưởng thành. Gia đình tôi không đòi hỏi gì, chỉ mong cơ quan chức năng sớm xác định cha tôi có phải là thương binh không? Nếu đúng cha tôi là thương binh thì sớm giải quyết cho gia đình về chế độ chính sách theo quy định của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là niềm tự hào của gia đình và dòng họ chúng tôi”, ông Lê Ba nói.
Gia đình ông Lê Ba đã mang tấm thẻ đến Phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện Diên Khánh hỏi thì được trả lời: Cần phải có thời gian xác minh. Được sự hướng dẫn của một số cựu chiến binh, gia đình ông Lê Ba đã đi tìm lại những người cùng đơn vị với cha ông. Đó là hai cựu chiến chiến binh cùng Trung đoàn 96 và người phụ nữ đã trực tiếp chăm sóc ông Lê Cho khi ông bị thương năm 1951.
Đại tá Ngô Long, sinh năm 1928, hiện sống tại 56/5 phường Phương Sài, TP. Nha Trang - người đã tham gia 101 ngày đêm tại mặt trận Nha Trang với ông Lê Cho xác nhận: “Sau khi tham gia 101 ngày đêm tại mặt trận Nha Trang tháng 8-1945, tôi theo đơn vị chuyển quân ra Đà Nẵng thành lập Trung đoàn 96 theo quyết định của trên vào tháng 4-1946. Trung đoàn 96 có 3 tiểu đoàn 17, 18 và 19. Tôi được phân công làm Trưởng ban Chính trị Trung đoàn 96 (tháng 7-1946) cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến (12-1946). Qua thẻ Thương binh của đồng chí Lê Cho, tôi thấy nội dung là chính xác. Chiến sĩ thuộc phiên hiệu Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 do đồng chí Lê Kích làm Tiểu đoàn trưởng”.
Cùng với ông Ngô Long, Đại tá Đỗ Anh Tịnh, sinh năm 1924, hiện sống tại số nhà 17/6 Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Nha Trang cho rằng: “Từ năm 1946 - 1947, tôi là chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 96. Qua xem thẻ thương binh của đồng chí Lê Cho tôi thấy nội dung phiên hiệu Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 là chính xác”. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, sinh năm 1929 là người trực tiếp chăm sóc vết thương cho ông Lê Cho năm 1951 xác nhận: “Tôi là Đảng viên 60 tuổi Đảng, hiện nay là cán bộ hưu trí, trú tại tổ dân phố 2 Phan Bội Châu, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh. Năm 1951, tôi công tác trong Ban lãnh đạo phụ nữ xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Khi cấp trên đưa một số thương binh về xã chăm sóc, trong đó có đồng chí Lê Cho bị thương nặng. Tôi là người trực tiếp cùng các đồng chí trong đoàn thể mặt trận xã được phân công chăm sóc thương binh. Qua thời gian chăm sóc các thương binh trên, được biết Lê Cho ở Diên Khánh, Khánh Hòa chưa vợ. Tôi gợi ý, giới thiệu cô Phạm Thị Khay cùng thôn để hai người làm quen tìm hiểu nhau. Cuối năm 1952 tôi được điều đi công tác. Thời gian đi công tác tôi gặp đồng hương cùng quê cho biết, đồng chí Cho và Khay lấy nhau sinh được con gái đầu lòng”.
Như vậy, đã có 3 nhân chứng hoạt động cùng thời và cùng đơn vị với ông Lê Cho xác nhận. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng sớm xác minh. Nếu đúng thì cần làm các thủ tục giải quyết chế độ chính sách đối với gia đình ông Lê Cho để không bỏ sót người có công.
T.C.T