10:01, 20/01/2014

Khổ vì nước nhiễm phèn

 Thời điểm này, tuy không phải mùa khô nhưng phần lớn giếng nước đều nổi váng, nước có màu vàng, người dân vẫn đùa là... nước cam vắt...

Lãnh đạo xã Diên Lộc cho biết, khoảng 80% người dân trong xã sử dụng nước nhiễm phèn. Còn theo khảo sát của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ dân trong xã sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt 13,5%, thấp nhất huyện Diên Khánh. 
 
 
Hầu hết giếng nước nhiễm phèn 
 
 
Xã Diên Lộc có 3 thôn Mỹ Lộc, Đại Hữu và Đảnh Thạnh thì nguồn nước ngầm cả 3 thôn đều bị nhiễm phèn nặng. Thời điểm này, tuy không phải mùa khô nhưng phần lớn giếng nước đều nổi váng, nước có màu vàng, người dân vẫn đùa là... nước cam vắt. 
 
 
Dùng bể lắng lọc chỉ hạn chế phần nào nước nhiễm phèn.
Dùng bể lắng lọc chỉ hạn chế phần nào nước nhiễm phèn.

 

Điểm chung của các giếng nước, bể lọc của xã là vàng khè như gỉ sắt. Giếng nhà bà Đỗ Thị Một (thôn Đại Hữu) ăm ắp nước nhưng màu vàng đậm đặc như ai đó thả bột vàng khuấy cho đục lên. Bà Một cho biết mùa này còn đỡ, mùa nắng nước đóng phèn đặc quánh. Tuy đã qua bể lắng lọc nhưng cũng chỉ có thể tưới cây, tắm giặt. Đồ trắng giặt một thời gian cũng bị nhuộm vàng. Do đã lớn tuổi nên bà không có sức chở nước xa, chỉ lấy nước ở giếng trong vùng đỡ phèn hơn rồi lắng lọc, sử dụng để nấu ăn. Nhà chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (thôn Đảnh Thạnh) có tới 3 bể lọc qua lọc lại. Tuy nước đã trong hơn nhưng khi đun sôi vẫn nổi váng. Vì không có điều kiện chở nước xa, 17 năm nay, gia đình chị vẫn nấu ăn bằng loại nước này, chỉ có nước uống là mua nước khoáng. Vật dụng của nhiều gia đình cũng vàng khè, xe máy rửa nước phèn nhiều cũng “lên nước” chuyển sang màu đồng.

 

 
Theo ông Lê Văn Gần, Chủ tịch UBND xã Diên Lộc, xã hiện có 900 hộ, với khoảng 3.200 nhân khẩu, khoảng 80% người dân thường xuyên phải sử dụng nước nhiễm phèn. Bao năm nay, người dân trong xã vẫn phải sống chung với nước nhiễm phèn. Khi triển khai xây dựng Chương trình nông thôn mới, xã đã có văn bản kiến nghị đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch cho Diên Lộc. 
 
 
Bức xúc vì thiếu nước hợp vệ sinh
 
 
Ông Nguyễn Sáu (76 tuổi, thôn Đại Hữu) cho biết, người dân Diên Lộc hiện bức xúc nhất chuyện thiếu nước hợp vệ sinh, vì lo lắng sử dụng nước nhiễm phèn lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Đặng Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã cung cấp cho chúng tôi danh sách hơn 40 người ông thống kê được bị bệnh hoặc chết vì ung thư trong 5 - 6 năm nay. Trong danh sách này, chúng tôi thấy có những gia đình cả cha và hai con đều chết vì ung thư. Có gia đình 5 người chết vì ung thư. Ông Nguyễn Đình Lân (thôn Đại Hữu) dẫn chúng tôi tới một giếng bỏ hoang giữa một khu đất kể, người chủ nhà trước ở đây bị ung thư chết. Sau đó, chủ nhà khác đến ở cũng mắc bệnh ung thư nên bỏ đi nơi khác sống. Ngôi nhà bị phá bỏ, chỉ còn cái giếng chẳng ai dám dùng. 
 
 
Chuyện nguồn nước nhiễm phèn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thế nào hiện chưa kết luận được nhưng rõ ràng nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh, không thể dùng cho sinh hoạt. Mấy năm gần đây, nhiều gia đình chở nước ở nơi khác về dùng. Như ông Nguyễn Sáu sắm 4 can để mua nước về nấu ăn. Nước giếng nhà chỉ để tắm giặt, tưới cây. Còn anh Nguyễn Tuấn Quang (thôn Đại Hữu), ngoài mua nước khoáng của Công ty Nước khoáng Đảnh Thạnh để uống, 7 năm nay, cứ 2 ngày một lần kể từ khi sinh con, anh phải sang Suối Tiên chở nước về dùng. Nước giếng qua bể lọc cũng chỉ dùng để tưới cây, chăn nuôi. Khoảng 2 tháng là phải hớt lớp phèn dày chừng 10cm nổi lợn cợn trên bể và nửa năm phải thay cát lọc một lần.  
 
 
Ông Nguyễn Đình Lân chia sẻ: “Tôi mong chính quyền sớm quan tâm hỗ trợ bà con có nước máy để dùng!”. Ông Nguyễn Sáu mong mỏi: “Người dân đã phản ánh trong các kỳ tiếp xúc cử tri. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền tạo điều kiện để người dân Diên Lộc sớm được sử dụng nguồn nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt”.
 
 
Chờ đầu tư
 
 
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Diên Khánh cho biết, trên địa bàn huyện hiện nay, Diên Lộc là xã bức xúc nhất về nước sạch. Theo điều tra, tỷ lệ dân sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt 13,5%, thấp nhất huyện. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho người dân Diên Lộc nằm ngoài khả năng của huyện nên huyện đã đề xuất với tỉnh. 
 
 
Theo ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Trung tâm đã điều tra, khảo sát thực trạng nước nhiễm phèn ở Diên Lộc. Sở NN-PTNT đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh việc đầu tư cấp nước cho xã Diên Lộc là cần thiết, do nguồn nước ngầm tại đây ô nhiễm không thể dùng trực tiếp được. 
 
 
Ban đầu Sở NN-PTNT đề xuất phương án cấp nước cho Diên Lộc là đầu tư hệ thống cấp nước khoảng 300m3/ngày/đêm với mục tiêu cấp nước sạch cho 3.300 người, tiêu chuẩn cấp nước 60 lít/ngày/đêm. Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu tư hệ thống cấp nước chung cho cả 3 xã: Diên Lộc, Diên Bình, Diên Hòa.
 
 
Ngày 18-9-2013, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép đầu tư hệ thống cấp nước Diên Lộc - Diên Bình - Diên Hòa với công suất khoảng 1.500m3/ngày/đêm cung cấp nước sạch cho 12.000 người dân của 3 xã, với tiêu chuẩn cấp nước 80 lít/ngày/đêm; đề nghị Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Theo Sở NN-PTNT, hệ thống cấp nước Diên Bình - Diên Lộc đã được quy hoạch thực hiện đến năm 2015 nhưng chưa ghi trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch đến năm 2015. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cho phép chuẩn bị và thực hiện đầu tư vào năm 2015 - 2016.
 
 
Ngày 1-10-2013, UBND tỉnh có văn bản với nội dung: Chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT tổng hợp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn còn lại giai đoạn 2012 - 2015; thông báo cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân biết chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đầu tư đối với các công trình nước sạch sinh hoạt nông thôn và chủ trương xã hội hóa của tỉnh để kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư. Chỉ giao Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư đối với các công trình không có doanh nghiệp đầu tư.
 
 
KHÁNH NINH - THIỀU HOA