Nhiều năm nay, khu dân cư Thác Hòm (thuộc thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn phải sống chung với cảnh không có điện, nước. Khu dân cư này được đánh giá là nghèo nhất xã.
Nhiều năm nay, khu dân cư Thác Hòm (thuộc thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn phải sống chung với cảnh không có điện, nước. Khu dân cư này được đánh giá là nghèo nhất xã.
Khi chúng tôi đến nhà, ông Cao Nghề vừa đi rẫy về. Ông giục vợ dọn cơm tối để tranh thủ ánh sáng chiều, tiết kiệm tiền dầu. Theo ông Nghề, ở Thác Hòm không nhà nào có ti vi; phụ nữ, trẻ em thường kéo nhau đi bộ gần 1km để xem ti vi. Vào ban đêm, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào đèn dầu hoặc đèn pin. Không chỉ thiếu điện, người dân Thác Hòm còn đang sống chung với nước không hợp vệ sinh. Không ít người vì sử dụng nước bẩn đã bị các bệnh về đường ruột, da liễu... “Điều chúng tôi lo lắng nhất là do điều kiện quá khó khăn nên nhiều trẻ em đã bỏ học, cả khu dân cư hiện chỉ còn 2 đứa con tôi đến lớp, còn lại đã bỏ học hết”, ông Nghề cho hay.
Ở Thác Hòm hiện còn rất ít học sinh đến trường học chữ. |
Mời chúng tôi ghé thăm nhà, bà Pi Năng Thị Lượng (65 tuổi) kể, bà là một trong những gia đình đầu tiên đến sinh sống ở Thác Hòm. Ngày xưa, do khu vực này có nhiều đất để sản xuất, địa hình lại khá bằng phẳng nên nhiều gia đình chuyển đến đây sinh sống. Ngày ấy, cả làng, xã đều chưa có điện, nhưng bây giờ đường điện chỉ cách Thác Hòm chưa đến 1km nhưng nơi đây vẫn gần như biệt lập, điều kiện sống, sản xuất khá khó khăn. “Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm, kéo điện về Thác Hòm để người dân bớt khổ”, bà Lượng hy vọng. Trong khi đó, ông Pi Năng Ca đã sống ở Thác Hòm hơn 30 năm; không ít lần ông định đưa cả gia đình lên rẫy sống như những gia đình khác. Ông Ca tâm sự: “Do không có điện nên chúng tôi không nắm được bất cứ thông tin gì. Sống ở đây với sống ở trong rừng, trên rẫy không khác biệt bao nhiêu. Có 4 gia đình đã rời Thác Hòm lên rẫy để sinh sống, ở đó có củi đốt, không phải tốn tiền mua dầu như ở đây”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 13 hộ dân sinh sống ở Thác Hòm, có đến 11 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, với hơn 50 nhân khẩu. Đời sống khó khăn, không có điện, nước, không ít gia đình đã rời bỏ Thác Hòm để sống ở những nương rẫy xa, nhiều trẻ em đã bỏ học giữa chừng. Từ khi đường bê tông được đầu tư, giao thông đến Thác Hòm đã thuận lợi; trong khi đó, địa hình ở đây lại khá bằng phẳng, gần với khu vực sản xuất nên nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn nền đất để khi có điện, nước sẽ dựng nhà để ở; một số hộ ở các khu vực khác trong thôn cũng chờ có điện sẽ chuyển đến Thác Hòm sinh sống. Ông Pi Năng Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: “Thôn Suối Cát là thôn có đời sống khá nhất xã. Tuy nhiên, khu dân cư Thác Hòm chỉ cách trung tâm thôn Suối Cát chưa đầy 1km lại là nơi nghèo nhất địa phương. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành quan tâm kéo điện đến khu dân cư Thác Hòm để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, sinh hoạt nhưng đến nay Thác Hòm vẫn chưa có điện”.
Trong khi đó, ông Đặng Niên Thiếu - Trạm trưởng Trạm điện Khánh Vĩnh (Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh) cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được thông tin nào từ chính quyền địa phương về việc người dân Thác Hòm chưa có điện sinh hoạt, vì vậy khu vực này không nằm trong kế hoạch phủ điện vùng lõm, vùng trắng về điện mà Công ty triển khai trước đây. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với chính quyền địa phương, khảo sát phương án cấp điện cho khu vực này”.
Chúng tôi rời Thác Hòm khi nhiều gia đình ở ven đường đã tắt đèn đi ngủ sớm. Giấc mơ có điện, có nước hợp vệ sinh vẫn đau đáu trong tâm trí của từng nhà, từng người.
BÍCH LA